Bản in
Xây dựng sản phẩm công nghệ chủ lực
Nhằm hỗ trợ các sản phẩm nghiên cứu và triển khai (R&D) chuyển sang giai đoạn sản xuất quy mô công nghiệp, UBND TPHCM đã triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động R&D tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), giai đoạn 2017-2018.

 Những kỳ vọng

Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam hoạt động trong SHTP nhiều hơn so với các DN có vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong 115 dự án đang triển khai có hơn 60% dự án của các DN Việt. Song xét về vốn đầu tư, DN Việt chỉ chiếm 15% tổng vốn đầu tư tại SHTP và giá trị sản xuất mang lại cũng thấp, tương đương 10% tổng giá trị. 

Điều đó cho thấy, vốn đầu tư không phải là thế mạnh của DN Việt Nam. Không chỉ thế, DN Việt Nam cũng gặp thách thức về công nghệ và thiếu nhân lực có chuyên môn, trình độ cao. Cho nên việc thực hiện chương trình nói trên là hết sức cần thiết để tiếp tục nâng cao giá trị DN, sản phẩm Việt. Sau nhiều vòng sơ tuyển, Ban quản lý SHTP đã chọn ra 7 sản phẩm - thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ Nano, công nghệ bán dẫn (MEMs) và công nghệ cơ điện tử, tự động hóa (Robot) - được tham gia tiếp vào vòng trong. 
Được biết, đây là chương trình nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm R&D chuyển sang giai đoạn sản xuất quy mô công nghiệp, với kỳ vọng các sản phẩm này sẽ trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đóng góp vào kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Chương trình do Ban Quản lý SHTP phối hợp với Sở Khoa học& Công nghệ (KH&CN) TPHCM chủ trì thực hiện, với tổng vốn hỗ trợ từ ngân sách là 20 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện chương trình càng có thêm ý nghĩa khi thực tiễn hiện nay, đa số các đề tài, dự án tại các viện, trường và cả các chương trình của Bộ KH&CN mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu và để các sản phẩm nghiên cứu ra được thị trường là một quá trình rất dài, đòi hỏi phải có sự gắn kết giữa DN và viện, trường.
 
Hỗ trợ phát triển sản phẩm 
Từ năm 2016, Ban Quản lý SHTP đã trình UBND TPHCM “Dự án KH&CN thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao trong hoạt động R&D tại SHTP, giai đoạn 2017-2018”. Chương trình dự kiến triển khai trong vòng 3 năm, mỗi DN được hỗ trợ tối đa 2 dự án, mỗi dự án không quá 3 tỷ đồng; tổng ngân sách thành phố chi ra không quá 50 tỷ đồng/năm. Các DN dùng số tiền hỗ trợ này để đầu tư xây dựng ý tưởng, hoàn thiện thiết kế, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ khâu phân phối, tiếp thị sản phẩm. Song song đó, Ban Quản lý SHTP còn có các hoạt động đã và đang hỗ trợ DN như tiếp cận vốn vay, có quỹ kích cầu, tìm kiếm, hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm. 
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết: “7 sản phẩm được chọn vào vòng trong còn phải tiếp tục trải qua phần thẩm định và đánh giá khả năng thương mại hóa của các chuyên gia, trong cuối tuần tới sẽ có kết quả hỗ trợ cụ thể cho từng sản phẩm”. Ông Lê Hoài Quốc giải thích thêm: “Có đơn vị làm rất tốt sản phẩm nhưng thiếu chiến lược thương mại hóa, trường hợp này thì các chuyên gia sẽ định hướng thêm. Hay nhận thấy sản phẩm còn có khả năng thương mại hóa cao hơn thì các chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến chuyên môn để nó hoàn thiện tốt nhất. Hoặc nếu thiếu nhân lực để phát triển sản phẩm thì SHTP sẽ hỗ trợ… Tức là phương pháp xử lý sẽ tùy vào từng sản phẩm và SHTP chỉ cấp kinh phí 30% cho việc thương mại hóa, còn lại 70% DN phải đối ứng, thực hiện”.   
Ban Quản lý SHTP cho biết, với chương trình này, mục tiêu hướng đến còn kỳ vọng hình thành các DN KH&CN mạnh, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; tăng tỷ lệ các đề tài - dự án sử dụng ngân sách nhà nước ứng dụng vào thực tiễn và được thương mại hóa hàng năm; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ DN thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao, các hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng hoạt động của các đơn vị ở cơ sở; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ; từng bước tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của thế giới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN của thành phố.
 
7 sản phẩm lọt vào vòng trong của chương trình

1. Miếng đắp giúp làm lành vết thương có chiết xuất nhung hươu gắn kết quy trình công nghệ tạo vật liệu nanocellulose của Công ty TNHH Thế giới Gen.
2. Sản phẩm công nghệ cao y sinh học ứng dụng trong điều trị chấn thương chỉnh hình (nẹp ốc cho gãy xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay…) của Công ty cổ phần Nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare.
3. Bột nanolycopene 5% - 10% hướng đến ứng dụng viên nang chống nắng của Công ty TNHH Thế giới Gen.
4. Dung dịch thuốc tiêm Stimus của Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen.
5. Keo tản nhiệt từ nền vật liệu carbonnanotube và graphen ứng dụng trong các thiết bị điện tử của Công ty cổ phần Nano năng lượng và môi trường Neetech.
6. Sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS trong chế tạo linh kiện cảm biến áp suất đo mực nước của Công ty cổ phần Phát triển cơ điện tử MEMSITECH.
7. Sản phẩm siêu cách nhiệt sử dụng silicaaerogel dạng tấm hoặc sơn, lớp phủ của Phân viện miền Nam - Viện Vật liệu xây dựng.