Bản in
Hội đồng CSKH&CNQG: Nhiều kết quả quan trọng trong tham mưu, tư vấn đổi mới chính sách
“Với góc độ trực tiếp từ Bộ và ngành, chúng tôi nhận thức được những đóng góp của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia (HĐCSKH&CN QG) không chỉ qua các Nghị quyết Trung ương, Chính phủ, các Luật, văn bản liên quan,… mà còn tác động trực tiếp đến việc định hướng để điều chỉnh chính sách khoa học và công nghệ trong giai đoạn tiếp theo”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Phiên họp tổng kết nhiệm kỳ 2012 – 2016 của Hội đồng CSKH&CN QG diễn ra ngày 16/6 vừa qua. Bên cạnh việc đề cao những đóng góp của Hội đồng nói chung và các thành viên của Hội đồng nói riêng, Bộ trưởng đã chia sẻ về những định hướng lớn Bộ KH&CN đang quan tâm trong thời gian tới. 

Tư vấn đổi mới chính sách KH&CN: Những con số ấn tượng
 
Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2012 – 2016, TS. Nguyễn Đình Minh - Tổng Thư ký Hội đồng cho biết, căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Chiến lược phát triển KH&CN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất, Hội đồng đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến cho Dự thảo “Phương hướng hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2012-2016”. Chương trình hoạt động tập trung vào 14 nội dung, tập trung vào các vấn đề: Đóng góp ý kiến đối với các nội dung thuộc Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN, cụ thể hoá vào việc xây dựng Luật KH&CN năm 2013 và triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Nghiên cứu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển thị trường công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung phát triển nhân lực KH&CN. Đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN. Khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp KH&CN; Xác lập sứ mệnh, vai trò, vị trí, nhiệm vụ của KH&CN đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể hoá đường lối, lộ trình công nghiệp hoá theo hướng hiện đại đối với các ngành kinh tế trọng điểm nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, từ đó có được những tư vấn ở tầm vĩ mô mang tính chiến lược. 
 
Hơn 4 năm qua, Hội đồng đã đóng góp ý kiến theo yêu cầu đối với gần 30 văn bản từ Chủ trương đường lối của Đảng đến các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong quản lý điều hành của Chính phủ; các Thông tư, Quyết định hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành, địa phương. Nhiều nội dung đóng góp của Hội đồng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và phát triển. Đồng thời, tổ chức 7 Phiên họp toàn thể theo các chuyên đề. Tiêu đề, nội dung các vấn đề đưa ra xem xét không chỉ đáp ứng sự quan tâm của các thành viên Hội đồng mà còn thu hút được sự chú ý của nhiều đại biểu thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Phối hợp với các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, Hội và Hiệp hội tổ chức 19 hội thảo, tọa đàm khoa học theo các chủ đề phục vụ Hội đồng thực hiện chức năng tư vấn về đổi mới chính sách. 
 
Toàn cảnh Phiên họp.
 
Hội đồng đã tổ chức trên 20 đoàn công tác đi khảo sát thực tiễn hoạt động KH&CN tại nhiều địa phương, gặp gỡ nhiều tổ chức KH&CN, doanh nghiệp. Lãnh đạo Hội đồng đã có nhiều buổi làm việc với Lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,… nhằm trao đổi, bàn bạc, đóng góp các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quá trình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Hội đồng đã xây dựng mối hợp tác với các Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách của 4 Bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin; phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về đổi mới cơ chế chính sách trong khoa học, trong các ngành kinh tế kỹ thuật và lâu dài là trong lĩnh vực đầu tư, tài chính. Chủ động, tìm kiếm, thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với Hội đồng KH&CN quốc gia (hoặc Hội đồng nghiên cứu quốc gia về KH&CN) thuộc các quốc gia Đông Nam Á; tham gia nhiều hoạt động với các cơ quan hoạch định chính sách KH&CN trong khu vực Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung, bước đầu mở rộng hợp tác sang các quốc gia thuộc các Châu lục khác. 
 
Các Thành viên, Chuyên gia cao cấp đã dành thời gian, sức lực, tâm huyết cho công việc của Hội đồng; đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược cũng như bề dày kinh nghiệm trong việc phân tích, đánh giá tình hình và đề xuất các ý kiến tư vấn về nội dung, giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng đã đổi mới hoạt động tư vấn, một mặt vẫn làm tròn chức năng tư vấn trực tiếp với Thủ tướng, mặt khác thông qua các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thực hiện tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách, cơ chế phù hợp với từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực.
 
Thành viên Hội đồng đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ
 
Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng đều đồng tình với những kết quả được nêu trong báo cáo, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo đầy đủ, công phu, có nhiều số liệu thể hiện được những đóng góp của thành viên Hội đồng vào các vấn đề Hội đồng quan tâm. Đồng thời, đưa ra nhiều góp ý để hoàn thiện báo cáo cũng như đề xuất kế hoạch trong thời gian tới. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng trong kế hoạch hoạt động thời gian tới, Hội đồng nên có các nghiên cứu về vấn đề chính sách cho các hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp; ngoài các nghiên cứu về khoa học tự nhiên, cần chú ý nghiên cứu các vấn đề về nông dân, nông thôn, nông nghiệp; tác động của môi trường đối với phát triển kinh tế; vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải quyết được vấn đề quản lý KH&CN theo hướng tiếp cận quản lý đầu ra, sản phẩm cuối cùng; vấn đề phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo phù hợp với cuộc cách mạng 4.0; năng lượng tái tạo;…
 
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân – Chuyên gia cao cấp hội đồng cho rằng, nhìn chung KH&CN đi vào sản xuất và đời sống trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều tiến bộ. Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến vào 2 cơ chế rất quan trọng cho KH&CN đó là cơ chế tài chính và cơ chế quản lý KH&CN. Về nội dung góp phần nâng cao hiệu quả tăng trưởng và đầu tư, KH&CN có thể làm được và đóng góp rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn rào cản về cơ chế chính sách. Báo cáo của Hội đồng nên dẫn chứng nhiều ví dụ hơn để thấy vai trò của chính sách đối với phát triển KH&CN và cuộc sống cũng như vai trò của Hội đồng. 
 
GS. TSKH Bành Tiến Long - Ủy viên Hội đồng nhận định, nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng, nỗ lực của lãnh đạo và các thành viên cũng như Văn phòng Hội đồng và đã xây dựng một cách đồng bộ, hệ thống chính sách từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, viện, trường. Hội đồng đã khảo sát rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và chuyển tải những ý tưởng, tư vấn chính sách, tháo gỡ khó khăn cho viện, trường, doanh nghiệp. GS. Bành Tiến Long đề xuất, “trong nhiệm kỳ tới, ngoài những đề xuất của Hội đồng, về mô hình quản trị đại học hiện nay, nhất là vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần làm thế nào để có thể phát triển được KH&CN gắn với đào tạo nhân lực, tự chủ thế nào, mô hình ra sao để KH&CN, giáo dục và đào tạo nhân lực có thể phát triển đồng bộ, thực sự tự chủ”. 
 
Đồng thời, Hội đồng cần tư vấn được các lĩnh vực khoa học ưu tiên của Việt Nam nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng 4.0. Hội đồng là nơi tư vấn tốt nhất, nơi khởi xuất, sau đó các bộ, ngành và các bộ phận khác phối hợp với nhau để lựa chọn, đề xuất những lĩnh vực Nhà nước thực sự cần ưu tiên phát triển về KH&CN. Hội đồng cũng cần đề xuất, tham mưu vấn đề ưu tiên phát triển KH&CN tại các vùng, địa phương phù hợp hơn với đặc điểm. Và làm thế nào để mạng lưới KH&CN đảm bảo được hiệu quả tầm quốc gia nhằm phát huy tính tự chủ và phù hợp với năng lực của mình, GS. Bành Tiến Long nói. 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Phiên họp.
 
Cho rằng những kết quả hội đồng đã đạt được rất đáng trân trọng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bày tỏ lòng tri ân đối với trách nhiệm, tâm huyết, công sức, trí tuệ và những đóng góp của Lãnh đạo và các thành viên Hội đồng trong việc tham mưu với Thủ tướng, Chính phủ những nội dung, chính sách rất quan trọng cho nền tảng xây dựng, phát triển chính sách KH&CN của đất nước. Bộ trưởng đã đưa ra nhiều bằng chứng thực tiễn minh chứng cho những kết quả của Hội đồng, được thể hiện sinh động trong nhiều hoạt động cụ thể ngày nay theo chỉ đạo chung của Chính phủ như phát triển thị trường công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ thể hiện ở các con số như trong báo cáo, những đóng góp của Hội đồng còn tập trung nhiều hơn đằng sau những con số. Việc đổi mới phương thức tổ chức của Hội đồng trong thời gian qua là cách để chúng ta đi gần hơn, trực diện hơn vào những vấn đề cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc để tham mưu cho Thủ tướng những ý kiến đóng góp thiết thực nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc định hình và hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế về KH&CN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển KH&CN. Cụ thể, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ đều thể hiện vai trò, sứ mệnh phát triển KH&CN đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Bộ trưởng, những kết quả này thể hiện vai trò tham mưu của Hội đồng CSKH&CNQG. 
 
“Với góc độ trực tiếp từ Bộ và ngành, chúng tôi nhận thức được những đóng góp của Hội đồng không chỉ qua các Nghị quyết Trung ương, Chính phủ, các Luật, văn bản liên quan mà còn tác động trực tiếp đến việc định hướng để điều chỉnh chính sách KH&CN trong giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Lãnh đạo và các thành viên Hội đồng. Đồng thời khẳng định, chắc chắn chỉ có những định hướng đúng, phương pháp đúng như thế chúng ta mới có chính sách đúng để có thể tiếp tục tăng cường chính sách và vai trò đắc lực của KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn sắp tới.
 
Phát biểu kết luận Phiên họp, GS.TS Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng CSKH&CN QG bày tỏ sự biết ơn sâu sắc, chân thành tới các thành viên Hội đồng trong nhiệm kỳ vừa qua đã cùng chia sẻ mối quan tâm đến công việc của đất nước, của cộng đồng khoa học và đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ tìm hiểu ý tưởng, giải pháp và những phương thức đóng góp, tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp với Thủ tướng. Đồng thời cảm ơn các đại biểu đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và các bộ, ngành hữu quan đã dành sự quan tâm, hỗ trợ Hội đồng. 
 
GT.TS Hoàng Văn Phong cho rằng, báo cáo của Hội đồng đã tạo ra bức tranh tổng quát về các hoạt động cũng như kết quả của Hội đồng. Phiên họp đã được nghe 14 ý kiến thành viên Hội đồng và Bộ trưởng Bộ KH&CN. Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp cho báo cáo về những quy định, hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ vừa qua. Hội đồng ghi nhận ý kiến của tất cả các thành viên và sẽ hoàn thiện thành văn bản báo cáo Thủ tướng. Ngoài những đề xuất trong báo cáo, 12 vấn đề từ đề xuất của các thành viên Hội đồng Ban soạn thảo ghi nhận và sẽ xem xét, đưa vào báo cáo để Hội đồng nhiệm kỳ tới tham khảo, sử dụng.  
 
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên