|
|||
Theo báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng, sau Kỳ họp thứ 2, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban KH, CN&MT phối hợp với Ban soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi). Theo đó, các nhóm vấn đề chính gồm: Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước đối với CGCN, Điều 4: Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung chính sách để làm rõ hơn đối với 3 luồng CGCN: Đối với luồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích CGCN cao, tiên tiến; Đối với luồng CGCN trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc CGCN từ các viện, trường, các tổ chức KH&CN trong nước vào sản xuất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và CGCN, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước; Đối với luồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ. Tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh sửa Điều 4 về Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN, gồm 6 khoản như trong Dự thảo Luật. Đồng thời, tại các điều, khoản của Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các chính sách này. Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam với sự tham gia của gần 70% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp, cần có chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN trong lĩnh vực này, nhất là ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Về vấn đề này, UBTVQH đã xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó tại khoản 2, Điều 4 đã quy định: Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động CGCN trong nông nghiệp, nông thôn, miền núi. Đồng thời, tại các Điều 52, 53 và 54 đã quy định cụ thể hoạt động CGCN ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tại Điều 55 đã quy định về CGCN trong nông nghiệp. Có ý kiến đề nghị bổ sung trong Luật chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, đồng thời ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra. Trong Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều là Điều 41“Phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực”. Thứ hai, về đối tượng, hình thức CGCN (Điều 5, Điều 6): Có ý kiến ĐBQH cho rằng, giao dịch CGCN thời gian qua chủ yếu thông qua máy móc và thiết bị. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn thiết bị cũ, lạc hậu và để nâng cao trình độ công nghệ Quốc gia nói chung, của doanh nghiệp nói riêng. Tiếp thu ý kiến nêu trên, trong Dự thảo Luật bổ sung đối tượng CGCN: “Máy móc, thiết bị” đi kèm các đối tượng CGCN để quản lý (điểm d, khoản 1, Điều 5); Đồng thời, chỉnh sửa quy định về hình thức CGCN cho phù hợp với việc bổ sung đối tượng CGCN là máy móc, thiết bị (điểm b, khoản 1, Điều 6). Thứ ba, liên quan đến các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao (Điều 10, 11 và Điều 12), một số ý kiến của các vị ĐBQH đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam. UBTVQH đã rà soát, chỉnh sửa các quy định cụ thể về công nghệ khuyến khích chuyển giao (Điều 10); Công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 11) và Công nghệ cấm chuyển giao (Điều 12). Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất. Thứ tư, về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư (Chương II), có ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả các dự án; quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định; quy trình, thời gian, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; bổ sung quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ. UBTVQH nhận thấy hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát các luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũng như thiết bị và máy móc cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; yêu cầu việc thẩm định này không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và cải cách hành chính. Cụ thể: Đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, tại Điều 14 về thẩm định công nghệ dự án đầu tư đã được chỉnh sửa, bổ sung như trong Dự thảo Luật. Theo đó, trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tới thẩm quyền thẩm định công nghệ, về hồ sơ, nội dung, trình tự thẩm định công nghệ tại các Điều 15, 16, 17, 18 và 19. Đối với ý kiến đề nghị quy định cụ thể về Hội đồng thẩm định, trong Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều mới là Điều 20 về Hội đồng, tổ chức, chuyên gia tư vấn thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Trong đó, đã quy định cụ thể về việc thẩm định công nghệ phải thông qua Hội đồng thẩm định; nguyên tắc làm việc, thành phần chuyên gia, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định…
Toàn cảnh Phiên họp sáng 02/6 Đối với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 21 “Kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư”, trong đó quy định trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhưng phải giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra, giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng. Đối với ý kiến đề nghị tăng cường sự giám sát của cộng đồng về công nghệ dự án đầu tư, xin không quy định trong Luật này mà tuân thủ quy định tại các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Về thời gian thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, UBTVQH nhận thấy việc thẩm định công nghệ phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư và các quan điểm chỉ đạo về việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh, giảm thiểu thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát được CGCN, do đó quy định về thời gian thẩm định công nghệ phải phù hợp với Luật Đầu tư. Tuy nhiên, đối với các dự án có công nghệ phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì thời gian thẩm định công nghệ được phép kéo dài gấp 2 lần so với dự án thông thường như quy định tại Điều 18 Dự thảo Luật. Thứ 5, về đăng ký CGCN (Điều 31), UBTVQH đồng ý với ý kiến của ĐBQH là không nhất thiết đăng ký tất cả các hợp đồng CGCN mà chỉ nên đăng ký một số loại hợp đồng; thủ tục đăng ký phải đơn giản, thuận tiện. Về vấn đề này, theo UBTVQH, để quản lý được các luồng CGCN, chống việc gian lận, chuyển giá, trốn thuế... việc đăng ký hợp đồng CGCN là cần thiết, nhưng không nhất thiết phải thực hiện đăng ký đối với tất cả các hợp đồng CGCN. Một số hợp đồng CGCN đã được kiểm soát thông qua việc thẩm định công nghệ và những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định của Luật KH&CN thì không phải đăng ký hợp đồng CGCN. Những hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, CGCN trong nước có sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn gốc từ NSNN thì phải đăng ký CGCN. Để giảm thiểu tối đa việc phát sinh hậu quả trong trường hợp hợp đồng CGCN không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, Dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn xem xét, cấp đăng ký CGCN xuống còn 07 ngày làm việc và đơn giản tối đa thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký CGCN. Thứ 6, về các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường KH&CN (Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung các chính sách, biện pháp đột phá để khắc phục tình trạng hoạt động CGCN giữa các tổ chức KH&CN trong nước với doanh nghiệp còn ít và hiệu quả thấp; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp còn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với trình độ và tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam. Một số ý kiến khác đề nghị bố cục chương này cần logic hơn, làm rõ vị trí trung tâm của doanh nghiệp và các biện pháp thúc đẩy CGCN, phát triển thị trường KH&CN. Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Dự thảo Luật đã được sắp xếp các điều trong Chương IV “Biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN” thành 4 mục cho hợp lý hơn; Dự thảo Luật đã cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ; đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả hoạt động KH&CN của mình; Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền tài sản phát sinh từ kết quả hoạt động KH&CN và đối tượng sở hữu trí tuệ để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất kinh doanh; Nhà nước khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp tại Điều 36. Đối với biện pháp đột phá thúc đẩy thương mại hóa kết quả hoạt động KH&CN đã được quy định như tại Điều 37 của Dự thảo Luật. Đối với phát triển thị trường KH&CN, trong Dự thảo Luật đã bổ sung 03 điều là Điều 42 “Biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, Điều 43 “Phát triển nguồn cung, nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ” và Điều 44 “Phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ” nhằm tạo cơ chế thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và tạo lập môi trường cho hoạt động CGCN. Thứ 7, về quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN (Chương V), tiếp thu ý kiến của một số ĐBQH đề nghị quy định rõ vai trò của Bộ KH&CN trong việc quản lý hoạt động CGCN; các Bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý CGCN, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ có liên quan và của chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động CGCN và bố cục thành 1 Chương là Chương V “Quản lý nhà nước về CGCN”. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, Dự thảo Luật có 6 Chương, 63 Điều đã bao quát tất cả các vấn đề đặt ra như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN; Đối tượng công nghệ được chuyển giao; Hình thức, phương thức CGCN; Công nghệ khuyến khích, hạn chế và cấm chuyển giao; Công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Hợp đồng CGCN; Biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN (Cụ thể, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN; dịch vụ CGCN; CGCN ở nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn); Quản lý nhà nước về CGCN;… Bài, ảnh: Nhóm phóng viên |