Bản in
Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010: Nhiều kết quả ấn tượng
Năm năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đến năm 2010 (gọi tắt là Chiến lược), hoạt động KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và mục tiêu tăng cường năng lực của ngành KH&CN nói riêng.

Hoàn thiện cơ bản hệ thống pháp luật về KH&CN

Đến nay, hệ thống pháp luật về KH&CN của Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động KH&CN và hội nhập quốc tế, bao gồm: Luật KH&CN (năm 2000), Luật Sở hứu trí tuệ (năm 2005) và sửa đổi năm 2009, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (năm 2006), Luật Chuyển giao công nghệ (năm 2006), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năm 2007), Luật Năng lượng nguyên tử (năm 2008),…

Cùng với công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, nhiều cơ chế, chính sách mới về KH&CN được ban hành, tạo thuận lợi cho hoạt động KH&CN của các ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp trong cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện an ninh xã hội.

Khoa học tự nhiên: nhiều chuyển biến về chất lượng

Từ năm 2006-2008, các kết quả nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong khoa học tự nhiên (KHTN) đã được công bố tại hơn 1.000 bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế, hơn 2800 bài trên các tạp chí quốc gia, hơn 1160 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế và hơn 2230 báo cáo tại các hội nghị quốc gia. Ngoài ra, hơn 130 sách chuyên khảo về những kết quả này được xuất bản.

NCCB thuần túy đã tập trung vào một số lĩnh vực được xem là thế mạnh của Việt Nam như: toán học, vật lý, hóa học, cơ học, khoa học sự sống, khoa học về trái đất và có nhiều kết quả được thế giới công nhận. Trong Toán học, Việt Nam đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng của thế giới và đứng đầu ASEAN về Tối ưu (Optimization). Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển KH&CN nước ta, một nhà toán học người Việt Nam – GS. Ngô Bảo Châu đã nhận được giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới, Giải thưởng Fields, trong năm 2010.

Trong ngành vật lý, các nhà khoa học Việt Nam đã chú trọng đến những nghiên cứu hiện đại và liên ngành như thông tin điện tử, quang học lượng tử, nano, vật lý tính toán, vật liệu cấu trúc nano. Việt Nam đang xếp thứ 64 trong bảng xếp hạng thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN.

Trong lĩnh vực khoa học sự sống, các nhà khoa học đã tìm ra những gen quý để bảo tồn và khai thác, góp phần làm giàu thêm danh sách động thực vật của Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc xây dựng Luật Bảo vệ đa dạng sinh học.

Song song với nghiên cứu cơ bản trong KHTN, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ NCCB định hướng ứng dụng về nano, điện tử y sinh,… nhằm tiếp cận với trình độ quốc tế, hỗ trợ quá trình lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và cải tiến các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài.
 
Các kết quả nghiên cứu KHXH đã làm rõ các luận cứ khoa học về xây dựng CNXH ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Những nghiên cứu này đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc ban hành nhiều văn kiện về con đường phát triển của Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN về quan hệ sở hữu và Đảng viên làm kinh tế tư nhân, bổ sung về tiến trình lịch sử và diện mạo nền văn hóa và phát triển con người Việt Nam; đồng thời dự báo được các xu thế phát triển của thế giới. Đặc biệt, Chương trình KX-09 về 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đã có trên 14 công trình nghiên cứu có giá trị, được dư luận đánh giá cao.

Tiếp theo các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về kinh tế của giai đoạn 2001-2005: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (KX.01); “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa định hướng xã hội chủ nghĩa: con đường và bước đi” (KX.02), Chương trình KX.01/06-10: “Những vấn đề cơ bản phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2010”  đã nghiên cứu tổng thể và dài hạn các vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Chương trình đã đặt ra và giải quyết từng bước các vấn đề về sở hữu, phát triển thị trường và nguồn lực, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu về một nền công nghiệp hóa rút ngắn. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị mới mẻ về mô hình phát triển, đổi mới thể chế hành chính và kinh tế,…

Ấn tượng từ những con số

Trong nông nghiệp, 5 năm gần đây, các nhà khoa học đã tạo ra 142 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều, năng suất tăng 4-5 lần, từ 200-300kg/1ha lên 1-1,1 tấn/1ha, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 4 lần, từ 120 triệu USD lên 490 triệu USD.

Ứng dụng công nghệ tạo ra giống cây trồng mới trong nông nghiệp

Trong thủy sản, có nhiều nghiên cứu thành công đạt trình độ tương đương khu vực và thế giới, tạo được các nguồn giống sinh sản nhân tạo, chất lượng tốt, cải tiến quy trình canh tác, nuôi trồng thủy sản, thu hoạch và chế biến, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng ngành thủy sản. Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,35%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Trong công nghiệp, KH&CN giúp lựa chọn hướng đi đúng về công nghệ và thúc đẩy năng lực hấp thụ, cải tiến, đổi mới công nghệ của các ngành, lĩnh vực. Các nhà khoa học đã tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo nhiều thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng; làm chủ công nghệ đóng tàu trọng tải lớn; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản; thiết kế, thi công công trình quy mô lớn, phức tạp,…

Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép tim từ người

       cho chết não, hoàn thiện kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam

Trong y tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các nhà khoa học đã làm chủ được nhiều công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chủ động sản xuất được nhiều loại vắc-xin, giúp phòng ngừa và từng bước thanh toán các bệnh hiểm nghèo. Sự kiện Việt Nam thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên (tháng 6/2010) đã hoàn thiện ngành ghép tạng tại Việt Nam, đưa trình độ y học của nước ta lên ngang tầm với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

5 năm qua, hoạt động KH&CN đã đạt được những thành tựu đáng kể, đây sẽ là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2015. Để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển ở mức trung bình tiên tiến vào năm 2020, ngành KH&CN cần tạo những bước đột phá mạnh. Bởi vậy, 10 năm tới là những năm đặc biệt quan trọng với KH&CN, là thời cơ để KH&CN trở thành một lực lượng quan trọng, có tính quyết định với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

 TS. Mai Hà, Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách KH&CN
(Bộ KH&CN)