|
|||
Tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sau khi Luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ tiến nhanh hơn. Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, liên quan đến chính sách của Nhà nước về CGCN, một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động CGCN cao và tiên tiến đã được kiểm chứng, hoàn chỉnh từ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung chính sách khuyến khích CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài… Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trong Dự thảo Luật, tại Điều 4 đã bổ sung các chính sách về CGCN từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho hoạt động CGCN; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động CGCN; khuyến khích hợp tác công - tư để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung Điều 34 về phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, quốc gia trong đó quy định rõ chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với việc phát triển, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và sản phẩm quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo nhất trí cho rằng hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn liền với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Để có thể kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, cần thiết phải phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ ngay trong Luật này đồng thời phải phù hợp với Luật đầu tư, Luật xây dựng và các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, trong Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa 3 Điều tương ứng với 3 Danh mục (luồng) công nghệ. Theo Dự thảo, Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành cụ thể các Danh mục này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tại Điều 13 “Thẩm định công nghệ của dự án đầu tư” và Điều 14 “Thẩm quyền thẩm định công nghệ dự án đầu tư” và quy định về nội dung thẩm định công nghệ dự án đầu tư (Điều 17); quy định cụ thể yêu cầu về nội dung công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư (Điều 15) và trình tự thẩm định công nghệ dự án đầu tư (Điều 16). Khuyến khích thúc đẩy CGCN Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung, đề xuất một số chính sách đối với các hoạt động KH&CN nói chung như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác để thúc đẩy phát triển, thương mại hóa công nghệ. Đối với việc khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, Dự thảo Luật cũng đã mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đối với hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ; khuyến khích hợp tác công - tư, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tạo lập môi trường cho hoạt động CGCN, Dự thảo Luật quy định Nhà nước khuyến khích, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động KH&CN và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung, cầu công nghệ. Đồng thời, Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp khác để khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ được quy định tại các điều về chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; công bố, trình diễn, giới thiệu công nghệ; quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ CGCN; hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến CGCN; hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ; trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động CGCN.
Khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, để thúc đẩy phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 49 về CGCN trong nông nghiệp với những đặc thù về phương thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý trong nông nghiệp và các hình thức chuyển giao như đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng mô hình trình diễn, thông tin tuyên truyền,... Đối với đề nghị khuyến khích CGCN tại các vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về vấn đề này. “Điều 49 nhằm giải quyết đặc thù riêng trong lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn đưa nhanh nhất các tiến bộ kỹ thuật thực chất chưa phải là công nghệ vào phục vụ nông nghiệp nông thôn. Điều này đã xử lý căn bản đặc thù khuyến khích chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp”, Bộ trưởng nói. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN, Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH&CN, các Bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động CGCN và bố cục thành 1 Chương quản lý nhà nước về CGCN. Dự thảo Luật cũng bổ sung, chỉnh sửa Điều 51 về thống kê ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Cần quy định chặt chẽ Cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật CGCN (sửa đổi), các thành viên UBTVQH cơ bản đồng ý với hướng tiếp thu, giải trình của cơ quan thẩm tra – UBKH, CN&MT của Quốc hội; yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để thống nhất hệ thống pháp luật, tránh xung đột với các Luật Ngân sách, Thuế, Đầu tư, KH&CN, đồng thời bảo đảm tính khả thi, cụ thể, tránh quy định chung chung. Về sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành, Bộ KH&CN cần rà soát lại Dự án Luật, bảo đảm thống nhất với Luật KH&CN, tránh dùng những thuật ngữ mới. Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, cần rà soát lại quy định về đăng ký CGCN và thẩm định công nghệ. Theo đó, các hoạt động này thực hiện theo nguyên tắc: các công nghệ mới được chuyển giao từ nước ngoài đều phải được thẩm định nhưng tránh tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước được nêu trong Dự thảo, theo ý kiến các thành viên UBTVQH, nên xem xét kỹ nội dung này để không làm ảnh hưởng tới quy định thống nhất trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo các đại biểu, cần quy định chặt chẽ về công nghệ hạn chế và cấm CGCN, tránh tạo ra kẽ hở dẫn đến tình trạng nước ta trở thành ''bãi rác'' về công nghệ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, quy định về công nghệ hạn chế chuyển giao cần được điều chỉnh lại, quy định chặt chẽ hơn, tránh tạo kẽ hở cho CGCN lạc hậu, gây tác hại môi trường nhập vào nước ta. Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu rất đầy đủ, từ quy định loại dự án nào phải thẩm định công nghệ đến trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định cũng như việc hậu kiểm. Đồng thời nhấn mạnh, Luật CGCN ra đời phải làm sao ngăn chặn việc đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm vào nước ta. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |