|
|||
Thẩm định công nghệ dự án đầu tư Trong số những vấn đề lớn được đề cập đến tại Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sửa đổi, vấn đề lợi nhuận từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ được tạo ra bằng Ngân sách Nhà nước; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư;… nhận được rất nhiều sự quan tâm, góp ý. Dự thảo Luật dành một Chương (Chương II) quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Theo đó, đối với dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định công nghệ được thực hiện trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, những dự án đầu tư không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 13 phải thẩm định công nghệ gồm Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ. Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, nội dung công nghệ của hồ sơ dự án đầu tư cần có các nội dung phân tích và lựa chọn phương án công nghệ; tên, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật chính, dự kiến danh mục máy móc thiết bị chính và tình trạng máy móc, thiết bị đó trong dây chuyền công nghệ của phương án công nghệ lựa chọn; tài liệu chứng minh công nghệ đã được kiểm chứng (nếu có); dự kiến kế hoạch đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ (nếu có); điều kiện sử dụng công nghệ; đánh giá sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường; dự thảo hợp đồng CGCN (nếu có nội dung góp vốn bằng công nghệ). Trong giai đoạn quyết định đầu tư, nội dung công nghệ của hồ sơ dự án đầu tư gồm tên, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ, thông số kỹ thuật, danh mục máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; tình trạng máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ; khả năng đáp ứng nguyên, nhiên, vật liệu cho dây chuyền công nghệ; chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ; chi phí đầu tư cho công nghệ, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định của Luật Đầu tư năm 2014 chưa tạo điều kiện cho việc thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư một cách chặt chẽ, có hiệu quả vì thời gian thẩm định hồ sơ đầu tư còn ngắn. Tiếp thu ý kiến này, Dự thảo Luật đã quy định khi thẩm định công nghệ đối với các dự án có công nghệ phức tạp, đòi hỏi phải lấy ý kiến chuyên gia nước ngoài trong quá trình thẩm định được gia hạn gấp 2 lần thời gian thẩm định so với thời gian thẩm định của các dự án không có nội dung công nghệ phức tạp (Điều 16 Dự thảo Luật). Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, theo Điều 13 của Dự thảo Luật, không phải tất cả các dự án CGCN đều được thẩm định, như vậy không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật KH&CN. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng tất cả các dự án sử dụng công nghệ được chuyển giao đều phải thẩm định. Về thời gian thẩm định, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối với những dự án công nghệ phức tạp, lần đầu tiên CGCN với Việt Nam, việc thời gian thẩm định kéo dài là phù hợp. Tuy nhiên, nên làm rõ thêm những công nghệ phức tạp cụ thể là công nghệ gì.
Dự thảo Luật CGCN quy định nhiều nội dung liên quan đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần làm rõ thêm những công nghệ phức tạp cụ thể là công nghệ gì để được ưu tiên, tránh lạm dụng. Trên cơ sở đó, để có được những đánh giá đúng, gia hạn thời gian thẩm định và tránh những lợi dụng trong vấn đề ưu tiên. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư - đây là khâu quan trọng nhất không thể thiếu trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Về điểm này, Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ và làm rõ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thẩm định công nghệ. Đồng tình với việc kéo dài thời gian thẩm định đối với công nghệ mới từ nước ngoài vào, bà Kim Ngân cho rằng Bộ KH&CN và UBKH,CN&MT của Quốc hội nên cùng xử lý các vấn đề kỹ thuật để không xung đột với Luật Đầu tư mà vẫn nhấn mạnh được rằng những công nghệ phức tạp, công nghệ mới nhập từ nước ngoài cần thời gian thẩm định dài hơn. Tái đầu tư phần lợi nhuận của Nhà nước Trong Điều 32 của Dự thảo Luật về “Thúc đẩy thương mại hóa kết quả hoạt động KH&CN” có nêu, Nhà nước giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả hoạt động KH&CN được tạo ra bằng Ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ NCKH và phát triển công nghệ. Trường hợp tổ chức chủ trì không thực hiện nghĩa vụ thương mại hóa kết quả hoạt động KH&CN, đại diện chủ sở hữu nhà nước giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả đó cho tổ chức khác của Việt Nam có nhu cầu. Sau khi kết thúc nhiệm vụ KH&CN, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu được mua để thực hiện nhiệm vụ và sản phẩm thử nghiệm được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN. Lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng Ngân sách Nhà nước được phân chia cho tác giả; tổ chức chủ trì; tổ chức trung gian; tổ chức thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Về vấn đề lợi nhuận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa kết quả NCKH và phát triển công nghệ được tạo ra bằng Ngân sách Nhà nước phải được phân chia dựa trên nguyên tắc công bằng. Nhà nước đầu tư nên phải được chia một phần, nhưng phần này sẽ không dồn vào ngân sách mà được tái đầu tư cho NCKH và phát triển công nghệ hoặc tiếp tục đầu tư vào Quỹ Phát triển công nghệ. Như thế sẽ rất sòng phẳng, khuyến khích được nhà khoa học nghiên cứu chuyển giao và Nhà nước thì thu hồi lại một phần vốn. Tỷ lệ chia cho Nhà nước bao nhiêu cần nghiên cứu kỹ. Liên quan đến quy định về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, bà Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại vì cho rằng điều này liên quan đến Luật Quản lý tài sản công. Về nguyên tắc, Luật được xây dựng mở để tạo sự đột phá mới cho hoạt động CGCN. Cụ thể, khi kết thúc nhiệm vụ, những tài sản Nhà nước trang bị để nghiên cứu KH&CN hay sản phẩm thử nghiệm được giao lại cho cơ quan chủ trì, điều này là hợp lý nhưng phải có quy cách. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng rằng, sau khi Luật CGCN ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ tiến nhanh hơn.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên
|