|
|||
Phiên họp với chủ đề “Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” có sự tham dự của GS. Hoàng Văn Phong – Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; các đồng chí Tổng thư ký, Ủy viên, chuyên gia cao cấp của Hội đồng; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học; đại diện một số doanh nghiệp;… Tại Phiên họp, các tham luận tập trung vào những nội dung: Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhân lực KH&CN của Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển; nhân lực KH&CN trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thực trạng nhân lực KH&CN trong biên chế nhà nước; nguồn nhân lực, hợp phần của sức cạnh tranh quốc gia, đối tượng cạnh tranh toàn cầu; tình hình đào tạo và phát triển nhân lực KH&CN tại các cơ sở giáo dục đại học; kinh nghiệm thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực KH&CN của một số doanh nghiệp;… TS. Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia cho biết, theo UNESCO và OECD, khi đánh giá năng lực KH&CN của một quốc gia, 2 chỉ số được quan tâm đó là nhân lực KH&CN quốc gia và nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ quốc gia (nhân lực NC&PT). Tuy nhiên, khi so sánh, phân tích trình độ, năng lực KH&CN của các quốc gia, tổ chức KH&CN quốc tế thì chỉ số nhân lực NC&PT được sử dụng chủ yếu. Theo kết quả Tổng điều tra NC&PT năm 2014 và Điều tra doanh nghiệp năm 2014, tổng nhân lực NC&PT cả nước hiện có 164.744 người (chiếm 2,3% nhân lực KH&CN). Trong đó, số cán bộ nghiên cứu (CBNC) 128.997 người (chiếm 1,8% nhân lực KH&CN), đạt 14 người/1 vạn dân. Nếu quy đổi theo cách tính chỉ tiêu nhân lực toàn thời gian tương đương (FTE) của OECD, số CBNC (FTE) của Việt Nam chỉ đạt 6,8 người/1 vạn dân (chiếm 0,86% nhân lực KH&CN). Nếu so sánh tỉ lệ CBNC (FTE) trên CBNC của một số nước trong khu vực, Việt Nam cũng chỉ đạt 47,5% (Trung Quốc: 72%, Nhật Bản 74%, Hàn Quốc 78%...). Qua 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng như: Giá trị sản phẩm KH&CN, công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt 11,7%, 19,1%, 28,7%; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm; số công bố quốc tế tăng 10-20%/năm. Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010, với tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm. Theo ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp, việc sử dụng, phát triển nhân lực KH&CN hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nguy cơ “chảy máu chất xám” ngày một gia tăng; cơ chế, chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ NC&PT, đặc biệt đội ngũ CBNC trong các tổ chức KH&CN công lập, doanh nghiệp nhà nước hiện đã không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hoạt động KH&CN; quản trị nhân sự KH&CN nói chung và quản trị nhân sự trong các tổ chức KH&CN nói riêng còn yếu kém; việc thực hiện quy hoạch nhân lực ngành KH&CN chưa được các Bộ, ngành chú trọng; môi trường dân chủ trong sáng tạo, sinh hoạt học thuật chưa phát huy hiệu quả; không gian sáng tạo, nhu cầu được phát triển và theo đuổi nghề nghiệp nghiên cứu còn hạn chế;… Về giải pháp, ông Đỗ Việt Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN kiến nghị đẩy mạnh triển khai các văn bản về chính sách đối với nhân lực KH&CN đã ban hành như: Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, Quyết định số 2395/QĐ-TTg. Trong đó có việc đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để tháo gỡ; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài” để tăng cường sự kết nối, tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho nhân lực KH&CN trong nước. Đồng thời là đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, qua đó thúc đẩy tính năng động, chủ động của các tổ chức này trong việc sử dụng nhân lực KH&CN trong nước. Nhiều ý kiến đề xuất đổi mới nhận thức, tư duy về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực KH&CN; tăng cường kết hợp giữa các cơ sở giáo dục với các cơ sở sử dụng lao động, các viện nghiên cứu trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có thêm nhiều chính sách trọng dụng, tôn vinh tài năng, nhân tài trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc và phát triển nghề nghiệp, điều kiện sống, lương, thu nhập hợp lý cho đội ngũ tri thức trẻ; đa dạng hóa các nguồn kinh phí; thay đổi cơ cấu phân bổ tài chính cho các hoạt động KH&CN, đầu tư có tập trung, tránh dàn trải kinh phí; gắn nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; hội nhập quốc tế với mô hình gắn nghiên cứu với đào tạo và hợp tác quốc tế;… Tin, ảnh: Hạnh Nguyên |