|
|||
Tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng phải khẳng định vai trò của KH&CN đã đóng góp hết sức quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, đồng thời lưu ý không thể nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là một ví dụ về việc làm chủ công nghệ thành công của Việt Nam. Ngày 4/10, tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường- Quốc Hội, trưởng đoàn giám sát cho biết, KH&CN đã từng bước tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến khu vực, góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo an ninh và quốc phòng. Hoạt động nghiên cứu và phát triển đã tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực và xuất khẩu, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, khai thác tiềm năng kinh tế biển. Khẳng định KH&CN đã góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, báo cáo giám sát nêu rõ, theo tính toán của Bộ KH&CN, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần trong những năm qua như năm, từ 12,74% năm 21011, 17,22% năm 2012- và năm 2013- 18,37%. Về đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế, theo tính toán của Viện Năng suất Việt Nam, trong giai đoạn 04 năm 2011-2014, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP trung bình là 25,96%, và có xu hướng tăng dần đều qua các năm. Riêng năm 2014, TFP đã có đóng góp tới 39,58% tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy dưới tác động của tổng hợp các nhân tố, trong đó có khoa học và công nghệ, các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất (vốn và lao động) đã được sử dụng hiệu quả hơn. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Singapore và Malaysia (vượt qua Thái Lan). Ngoài ra các chỉ số về mức tăng số lượng công bố quốc tế trung bình hàng năm và số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam cũng đều tăng qua các năm. Nguồn nhân lực KH&CN tăng nhanh về số lượng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được củng cố, góp phần lành mạnh hóa môi trường nghiên cứu và kinh doanh. KH&CN thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo Cơ khí có vị trí rất quan trọng là cơ sở, động lực và cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho cho các ngành công nghiệp khác phát triển như công nghiệp chế biến nông sản, giao thông vận tải, các trang thiết bị cho bảo vệ an ninh quốc phòng... Theo số liệu của Tổng cục thống kê, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí, với 53.000 cơ sở sản xuất, trong đó có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể, 156 xí nghiệp tư doanh,... Khoảng 50% cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu là các cơ sở sửa chữa. Nhu cầu về máy và thiết bị giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo là khá lớn. Con số được dự báo hàng năm, về nhu cầu máy và thiết bị trong giai đoạn 2011-2025 xấp xỉ 250 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện năng lực ngành cơ khí nước nhà mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu trong nước.
Cần đánh giá các chính sách về KH&CN để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo Hiện nay, cả nước có khoảng 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chia làm 3 nhóm ngành sản xuất chính: cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. So với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03%. Hầu hết, nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu. Thực tế, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô từ 20-30%, da giày, dệt may trên 10%.... điều này dẫn đến hệ quả là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém. Đoàn giám sát đánh giá, trong những năm qua, KH&CN thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm triển khai, đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên còn nhiều cơ chế chính sách về KH&CN thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo chưa phù hợp thực tế. Việc tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách còn lúng túng, thiếu sự nhất quán và thường xuyên. Ngoài ra, các tổ chức KH&CN trong công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo hoạt động hiệu quả chưa cao; công nghiệp hỗ trợ chưa được các tổ chức khoa học và công nghệ quan tâm đầu tư nghiên cứu đúng mức. Sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu trong ngành, lĩnh vực còn yếu. Cần thiết ban hành Nghị quyết về phát triển KH&CN Đảng và Nhà nước đã khẳng định cùng với giáo dục và đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của KH&CN trong thời gian qua đã đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong giai đoạn tới, nhất là quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung giám sát là rất lớn vì vậy cần làm rõ nội hàm của chủ đề giám sát. Cụ thể, cần đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật để thúc đẩy KH&CN và đánh giá các chính sách về KH&CN để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Với các chính sách chưa đúng, chưa đủ, cần đề xuất bổ sung, làm rõ. Đồng thời, một số ý kiến đề nghị đoàn giám sát cần đánh giá cụ thể hơn về kết quả hoạt động của KH&CN đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, KH&CN. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu đoàn giám sát cần nghiên cứu bố cục lại báo cáo giám sát, trong đó đánh giá, phân tích rõ tình hình, kết quả phát triển KH&CN trong thời gian qua, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, giải pháp khắc phục, nhất là xây dựng định hướng về phát triển KH&CN trong thời gian tới; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến quản lý tài chính đối với khoa học công nghệ; đánh giá mối liên hệ giữa KH&CN và giáo dục đào tạo, quốc phòng, an ninh... để tạo nguồn lực cho phát triển KH&CN. Tán thành với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về một số nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, các đại biểu đề nghị đoàn giám sát cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và báo cáo giám sát để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Mai Hà- Ánh Tuyết |