|
|||
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ Trong những năm gần đây, xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 về Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”; Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ…. Đặc biệt mới đây nhất, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 là “xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo”. Nghị định đã đặt ra hàng loạt giải pháp phát triển doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo. Phải khẳng định rằng, cho đến nay, hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước ta về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã khá đồng bộ, có nhiều ưu đãi vượt trội. Tuy nhiên, để vào được tới các doanh nghiệp đang có nhiều vấn đề cần bàn. Chúng ta cũng đã có nhiều cố gắng để đầu tư, phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Cụ thể, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn ít, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu kém. Các sản phẩm hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Đồng thời, nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng… Các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hướng đến doanh nghiệp. Ví dụ như cần hoàn thiện lại quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển. Hay là Nhà nước cần tổ chức bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ… Song, kết quả đến nay cũng chưa được khả quan. KH&CN thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…. cho thấy những vấn đề cần học hỏi như: xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp, chế tạo; xác định doanh nghiệp hạt nhân; nâng tầm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ là các nhà thầu phụ… là các nội dung được đưa vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhờ đó mà họ đã thành công trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cần nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ Tất cả các điều trên đặt ra bài toán, mong muốn chúng ta cùng nhìn nhận lại cả về nhận thức cũng như hành động thực tiễn, kể cả từ phía các nhà quản lý. Nói đến phát triển công nghiệp hỗ trợ mục đích cuối cùng là nói đến phát triển sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp lớn, theo đó không thể thiếu được yếu tố công nghệ và vốn. Thứ nhất là, bài toán về công nghệ sản xuất sản phẩm. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, vấn đề cốt lõi là tiêu chuẩn của sản phẩm đó thị trường đang đòi hỏi ở mức nào, yêu cầu kỹ thuật ra sao?... Để giải quyết bài toán đó tất yếu là phải có công nghệ tương ứng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc tìm kiếm công nghệ phù hợp chưa chắc đã phải là bài toán quá khó vì các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài cũng sẽ sẵn sàng được mong muốn hợp tác và chuyển giao nhằm phát triển mang lại lợi nhuận từ công nghệ họ đã có, sự “độc quyền” về công nghệ trong thời đại hiện nay sẽ không thể kéo dài lâu được. Nguồn nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng. Với tiềm năng về tài nguyên, Việt Nam có nguồn nguyên liệu thô khá dồi dào, vấn đề là làm sao để tạo ra được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ? Bài toán về sản phẩm điện tử của Samsung hay Sony được sản xuất tại Việt Nam cho thấy rõ điều này. Vì không có nguyên liệu đầu vào nên các doanh nghiệp của Việt Nam nếu có đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất linh kiện, phụ kiện, còn phải nhập hầu hết nguyên liệu từ nước ngoài, đôi khi chỉ còn lại giá trị gia công…. Các doanh nghiệp sẽ không có điều kiện và cũng không có đủ khả năng để độc lập nghiên cứu sản xuất nguyên liệu đầu vào bởi yếu tố thị trường đơn lẻ. Vấn đề đặt ra là phải phân định được trách nhiệm cũng như sự quan tâm đầu tư từ cả hai phía. Đối với cơ quan quản lý cần có nghiên cứu chung để xác định được nhu cầu tương ứng với quy hoạch phát triển ngành, để làm cơ sở hoạch định nội dung và đặt hàng nghiên cứu công nghệ tạo nguồn nguyên liệu. Đối với hệ thống doanh nghiệp, khi có nguồn nguyên liệu đầu vào đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, bài toán công nghệ trong sản xuất sản phẩm hỗ trợ sẽ thuộc về doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi đã quan tâm và mạnh dạn đầu tư, chắc chắc họ sẽ có được các thông tin và sự tư vấn về công nghệ sản xuất sản phẩm từ các kênh khác nhau. Việc thúc đẩy sản xuất lúc này là do chiến lược phát triển ngành, do thị trường và cơ chế hỗ trợ từ nhà nước. Thứ hai là bài toán về vốn. Trong thời gian qua, với sự đồng hành của các cơ quan nhà nước, hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành. Chỉ xét riêng về vốn cũng đã có rất nhiều chính sách, ngoài việc hỗ trợ, tài trợ thông qua các nghiên cứu, ứng dụng Chính phủ cũng đã cho phép hình thành các Quỹ để hỗ trợ, cho vay đối với các doanh nghiệp tùy theo từng lĩnh vực: Quỹ hỗ trợ đầu tư; Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Quỹ phát triển KH&CN; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia…. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến năm 2015, cả nước có khoảng 40 Quỹ/loại Quỹ tài chính nhà nước được thành lập. Tuy nhiên, việc tiếp cận để được hưởng các ưu đãi trên đang còn vướng đối với doanh nghiệp do, hầu hết các Quỹ (nhất là ở các bộ, ngành đang quản lý) đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước. Đây đang là vướng mắc lớn nhất khiến cả cơ quan quản lý nhà nước dù muốn nhưng không thể vận hành được và các doanh nghiệp cũng không thể đủ điều kiện để vay. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận nên không còn mặn mà với các chính sách ưu đãi trong khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp lại rất lớn. Vì vậy, các Quỹ tài chính nhà nước với mục tiêu hỗ trợ cần phải được xác lập rõ nguồn vốn dành cho vay và phải được chuyển ngay vào tài khoản ngân hàng thương mại hoặc ủy thác cho tổ chức tín dụng để thực hiện cho vay. Về phía doanh nghiệp, do xuất phát điểm, hầu hết các doanh nghiệp đang có nhu cầu về vốn đều ở loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ,… Có rất ít doanh nghiệp tự đánh giá năng lực công nghệ phục vụ cho đổi mới và hoạch định chiến lược kinh doanh của đơn vị một cách bền vững. Hầu hết doanh nghiệp thiếu nhân lực quản trị nên việc xây dựng các đề án phát triển cho doanh nghiệp mình chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ sở khoa học, tiềm ẩn rủi do dẫn đến sự quan ngại của các cơ quan quản lý. Cũng do thiếu nhân lực quản trị nên việc diễn giải các nội dung trong dự án đầu tư thiếu tính thuyết phục, thiếu sự tính toán đầy đủ nên tính khả thi chưa cao. Như vậy, để phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng thì các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất. Đây chính là yếu tố cốt lõi cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trần Văn Quang Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương
|