|
|||
Đây là những ý kiến tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Luật CNTT do Bộ KH&CN tổ chức mới đây. Tại hội nghị, những vấn để cốt lõi nhằm phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý KH&CN đã được bàn đến. Nhiều chuyển biến tích cực Ông Đào Ngọc Chiến - Vụ phó Vụ Công nghệ cao - cho biết sau khi luật này được phê duyệt, bộ đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai. Hoạt động CNTT tại Bộ KH&CN đã được quy hoạch, phát triển, ứng dụng theo đúng tinh thần của Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT tại một cơ quan quản lý đặc thù như Bộ KH&CN kiểu như dịch vụ trực tuyến, dịch vụ hành chính công… thì có vẻ hơi khập khiễng bởi những hoạt động này chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều hoạt động quản lý Nhà nước vể KH&CN mà Bộ KH&CN đang triển khai. Mặc dù vậy những gì mà Bộ KH&CN đạt được qua 10 năm triển khai Luật CNTT cũng cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực. Thống kê của Trung tâm Tin học, Bộ KH&CN chỉ rõ: 10 năm qua, Bộ KH&CN rất tích cực thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến CNTT và đạt được một số kết quả tích cực. Về môi trường chính sách, từ năm 2006 đến nay, bộ đã ban hành 14 văn bản liên quan đến việc triển khai Luật CNTT. Về hạ tầng kỹ thuật, hiện 95% số cán bộ, công chức, viên chức có máy tính cá nhân. Các máy tính đều được kết nối Internet băng thông rộng. Bên cạnh đó, hiện 91% số đơn vị trực thuộc bộ sử dụng hệ thống thư điện tử; 95% số cán bộ, công - nhân viên sử dụng hòm thư điện tử trong công việc; 85% số văn bản trong bộ được sử dụng văn bản điện tử ; tỷ lệ trao đổi văn bản với các cơ quan, đơn vị bên ngoài đạt 75%. Bên cạnh đó, các dịch vụ công của Bộ hầu hết đạt được mức độ 2, một số dịch vụ đạt tới mức 3. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã và đang triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành, góp phần quyết định vào mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai KH&CN. Bộ cũng tích cực đẩy mạnh CNTT trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ, các dịch vụ đăng ký tổ chức hoạt động KH&CN, đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao… Bộ KH&CN đã xây dựng Cổng thông tin điện tử của Bộ, thực hiện chức năng điều hành, tích hợp với các cổng thông tin của một số đơn vị trực thuộc như Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục Sở hữu Trí tuệ, Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân… Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật CNTT nhất là với một cơ quan quản lý đặc thù như Bộ KH&CN, nhiều ý kiến cho rằng, cần định hướng phát triển CNTT nhằm mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN. Công cụ nối dài để hỗ trợ phát triển KH&CN “Cuộc cách mạng CNTT đã thay đổi hoàn toàn thế giới. Tại Việt Nam, CNTT cũng đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Với quá nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội do tiến bộ kỹ thuật tạo ra, nhiều khả năng Luật CNTT cũng sẽ phải sửa đổi” - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nói. Theo đó, với vai trò quản lý Nhà nước về KH&CN, cần đẩy mạnh đầu tư đối với các chương trình, dự án trọng điểm để tạo nền tảng cho CNTT phát triển như: hạ tầng các khu CNTT tập trung, khu CNC… Tập trung ưu tiên nguồn vốn Nhà nước đầu tư phát triển khai một số chiến lược, đề án cấp quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ KH&CN đã xây dựng một số chương trình nhằm phát triển, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển CNTT, các sản phẩm CNTT và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nền công nghiệp CNTT. (ảnh chụp tại khu CNC TP Hồ Chí Minh) Song song với đó là xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện kế hoạch triển khai các chương trình phát triển công nghiệp CNTT như nguồn vốn từ trung ương, đối ứng của địa phương, đầu tư của doanh nghiệp, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các quỹ phát triển, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác. Thực tế cho thấy, chúng ta đã thu được nhiều kết quả khả quan khi thực hiện việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển CNTT. Cụ thể, Bộ KH&CN đã xây dựng một số chương trình nhằm phát triển, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển CNTT, các sản phẩm CNTT và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nền công nghiệp CNTT. Cụ thể như: Chương trình ứng dụng và phát triển CNTT và Truyền thông (Chương trình KC.01), Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ quốc gia đến năm 2020 với một số sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin, sản phẩm vi mạch điện tử. Chủ trì xây dựng và trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, tham gia góp ý dự thải Nghị định của Chính phủ về khu CNTT tập trung. Những chương trình, đề án này đã và đang phát huy tích cực trong việc tạo nền tảng, bệ đỡ cho việc áp dụng CNTT đi vào cuộc sống thông qua KH&CN. Các ý kiến cũng kiến nghị sửa đổi Luật CNTT để bắt nhịp với những thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là sự tích hợp công nghệ làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Khả năng hàng tỷ người được kết nối với nhau thông qua thiết bị di động, với khả năng xử lý chưa từng thấy, dung lượng lưu trữ và tiếp cận tri thức là không giới hạn. Những khả năng này sẽ được nhân lên gấp bội nhờ tích hợp các đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, người máy, Internet của vạn vật (IoT), các phương tiện tự hành, in ba chiều (3D), công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử. Theo đó, Luật CNTT sửa đổi sẽ phải đưa ra được những quy định vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực CNTT. Bài và ảnh: Minh Châu |