|
|||
Tại Việt Nam, hoạt động này đã hình thành và đang có những kết quả bước đầu. Các cơ chế, chính sách phát triển hoạt động ươm tạo ngày càng đầy đủ. Mới đây, Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” bắt đầu khởi động cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN ở nước ta. Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, với khoảng 96,5% tổng doanh nghiệp của cả nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực năng động nhất, sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước, tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế về đất đai, chi phí lao động rẻ, năng lực cạnh tranh hạn chế, nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực, và đặc biệt chưa phát huy được yếu tố quan trọng hàng đầu là đổi mới sáng tạo, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, việc xây dựng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN gắn với hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu là một giải pháp quan trọng có ý nghĩa đột phá để phát triển và nâng cao hiệu quả của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu hình thành 5.000 doanh KH&CN và 60 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN nêu trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020.
Để thực hiện chủ trương của Đảng đưa KH&CN trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có tính đột phá, trong đó có chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ như Nghị định số 80/2007 ngày 19/5/2007 về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN,…
Hiện ở nước ta có khoảng 50 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với các mô hình như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học (vườn ươm thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM,...); vườn ươm thuộc doanh nghiệp (như vườn ươm các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Tập đoàn FPT,...); vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Hòa Lạc;... Đặc biệt là mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quản lý nhằm tổ chức, triển khai hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và nghiên cứu thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, thành lập doanh nghiệp.
Nhìn chung, các vườn ươm đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp KH&CN được ươm tạo. Có thể kể đến các vườn ươm đang hoạt động hiệu quả như Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp CRC-TOPIC (thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI),… Hoạt động ươm tạo đã và đang tập trung vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hoá, vi điện tử; vật liệu mới; nông nghiệp;…
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ tại trường Đại học Cần Thơ.
Với mục tiêu hỗ trợ xây dựng thể chế và phát triển năng lực trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” sử dụng vốn ODA của Bỉ được hình thành nhằm góp phần hình thành các giải pháp tổng thể để hỗ trợ và nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, nhân rộng các mô hình ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam.
Nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam
BIPP là dự án thuộc Chương trình hợp tác định hướng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ giai đoạn 2011 – 2015. Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Vương quốc Bỉ với tổng kinh phí 4,4 triệu Euro. Trong đó, Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ 4 triệu Euro (tương đương khoảng 4,8 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 400.000 Euro. Dự án được khởi động từ ngày 22/6/2011 tại cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt - Bỉ, thuộc Chương trình hợp tác định hướng giữa Việt Nam và Bỉ giai đoạn 2011 – 2015 và được thực hiện đến năm 2019.
Sau hơn một năm xây dựng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Bỉ, Cơ quan Phát triển Bỉ, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và nhóm chuyên gia tư vấn, Dự án đã được hoàn thành. Ngày 20/01/2014, tại Hà Nội, ngài Johan Vande Lanotte - Phó Thủ tướng Vương quốc Bỉ, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế đại diện cho Chính phủ Bỉ cùng Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định cụ thể của Dự án BIPP.
Theo ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án, Dự án BIPP có 4 nội dung. Thứ nhất, đánh giá toàn bộ hiện trạng về phát triển các cơ sở ươm tạo, cũng như lực lượng doanh nghiệp KH&CN ở nước ta. Từ đó, đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ việc đổi mới, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, ươm tạo khởi nghiệp. Thứ hai, thí điểm chính sách hỗ trợ 2 cơ sở ươm tạo, một cơ sở trực thuộc Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH&CN và một cơ sở thuộc trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP. HCM. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra khuyến nghị trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ đổi mới, phát triển các cơ sở ươm tạo tại Việt Nam.
Thứ ba, thí điểm một cơ chế hỗ trợ về tài chính thông qua Quỹ hỗ trợ hạt giống (Innofund) với mục tiêu hỗ trợ chủ yếu về tài chính (không hoàn lại) cho các dự án ươm tạo khả thi của tổ chức, cá nhân đang tiến hành hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, ươm tạo khởi nghiệp tại các cơ sở ươm tạo được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Cuối cùng, xây dựng một khung theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện kết quả của 3 cấu phần nói trên.
Quỹ Innofund là quỹ tài trợ không hoàn lại thuộc Dự án BIPP nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực thông qua hoạt động tiền ươm tạo và ươm tạo với các cơ sở ươm tạo, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước. Việc hỗ trợ của Quỹ Innofund sẽ được thực hiện dưới dạng vốn tài chính không hoàn lại, tối thiểu cho mỗi dự án là 15.000 EUR và tối đa là 45.000 EUR (tính bằng đồng Việt Nam). Ngoài hỗ trợ về tài chính, Quỹ Innofund còn có các hình thức hỗ trợ khác như: hỗ trợ tư vấn thực hiện kiểm toán đổi mới sáng tạo ở các viện nghiên cứu/khoa thuộc trường đại học nhằm xác định các ý tưởng đổi mới sáng tạo có khả năng thương mại hóa thông qua việc cấp phép sở hữu trí tuệ hoặc khởi nghiệp kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, mua sắm nguyên liệu và thuê/mua sắm trang thiết bị để phát triển sản phẩm; tư vấn cho phát triển, bảo vệ sở hữu trí tuệ,...
Phát biểu tại Lễ khởi động Quỹ Innofund ngày 25/9 mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Dự án BIPP giữ vai trò, vị trí quan trọng và đóng góp đáng kể vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời giúp nâng cao năng lực xây dựng thể chế, chính sách của Bộ KH&CN. Với 4 nội dung của Dự án, đặc biệt là việc vận hành Quỹ Innofund thông qua hoạt động hỗ trợ xây dựng năng lực về ươm tạo và tiền ươm tạo cho các cá nhân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, việc thực hiện Dự án BIPP sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp để cho ra đời những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KH&CN tồn tại một cách bền vững và có sức cạnh tranh trên thị trường, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên
|