Bản in
Cơ hội cho nhà khoa học trẻ
Thời gian gần đây, Bộ KHCN đã có nhiều nỗ lực xây dựng, đưa ra nhiều chính sách mới trong thu hút, trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Đánh giá cao những chính sách này, các nhà khoa học trẻ mong muốn tiếp tục có nhiều chính sách để có thể toàn tâm nghiên cứu, sáng tạo.

Nhiều chính sách thu hút nhà khoa học trẻ

Kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 ra đời đã tạo ra nhiều bước đột phá để các các nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN. Theo đó, đã xác định, các nhà khoa học trẻ là 1 trong 3 đối tượng được trọng dụng và ưu đãi trong hoạt động KHCN, được hưởng các cơ chế chính sách phù hợp và được Nhà nước tạo điều kiện tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu. Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia cũng đã được thành lập, là nơi mà các nhà khoa học trẻ có thể nộp hồ sơ để đăng ký thực hiện các nhiệm vụ về KHCN cấp Nhà nước. Đây là điều mà trước đây các nhà khoa học trẻ thường rất khó có thể đạt được bởi theo cơ chế cũ thì các đề tài, dự án này thường do các nhà khoa học đầu ngành, có chức danh, có học vị thực hiện.

Ngoài ra, Bộ KHCN cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 50 về việc thành lập Viện KHCN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST). Đây là viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới. Những lĩnh vực ưu tiên của viện V-KIST đó là cơ điện tử, công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng - môi trường... Nơi đây sẽ tạo ra môi trường làm việc, điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học, trong đó các nhà khoa học trẻ. Chắc chắn với môi trường làm việc này, họ sẽ toàn tâm, toàn ý cống hiến trí tuệ cho khoa học.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, trong đề án phát triển thị trường công nghệ, Bộ KHCN đã đề xuất xây dựng các khu ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN. Đồng thời, Bộ KHCN cũng xây dựng đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon Valley (Hoa Kỳ), để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp cho các sinh viên, nhà khoa học trẻ có ý tưởng khoa học. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, họ có thể có được nguồn lực để hoàn thiện công nghệ của mình, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ đó, sẽ có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và sau đó sẽ trở thành những doanh nghiệp lớn để đóng góp không chỉ cho khoa học mà cho cả nền KT - XH.

Mặt khác, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm trọng dụng đội ngũ các nhà khoa học trẻ trong hoạt động R&D của mình. Đây là mảnh đất lớn để các bạn trẻ đam mê khoa học có thể dụng võ.

Cần xây dựng các mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc

Trao đổi với ĐBNDO, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay, các chính sách ưu đãi, thu hút đối với nhà khoa học trẻ đã khá thông thoáng và thuận tiện hơn so với hồi trước. Tuy nhiên, việc ưu đãi không chỉ nằm ở vấn đề tiền lương mà cần tập trung vào cơ chế hoạt động vì khoa học bao gồm cả cải cách thủ tục tài chính, hóa đơn, tạo môi trường nghiên cứu khoa học, hỗ trợ thu hút các nhà khoa học (trẻ) quốc tế về làm việc… Nếu được như vậy thì các nhà khoa học (trẻ) hoàn toàn yên tâm, tập trung vào nghiên cứu và xây dựng sản phẩm hữu ích.

Ngày 11.9 tới, Bộ KHCN tổ chức buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ với lãnh đạo Chính phủ. Dự kiến, buổi gặp mặt có sự tham gia của khoảng 70 các nhà khoa học trẻ đã có kết quả nghiên cứu nổi bật hoặc đã có những sản phẩm KHCN được ứng dụng trong thực tiễn, có công bố quốc tế có giá trị hoặc có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận. Đây là cơ hội để các nhà khoa học trẻ báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những kết quả nghiên cứu của mình cũng như khó khăn, thuận lợi mà họ đã phải trải qua trong quá trình nghiên cứu; kiến nghị những cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà khoa học trẻ có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho nền khoa học – Bộ trưởng Nguyễn Quân

Để tập trung vào các đề tài nghiên cứu khoa học, có tính mới và hữu ích cho cộng đồng, theo Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Chính phủ và Bộ KHCN cần xác định rõ các định hướng chiến lược phát triển các sản phẩm đặc thù. Đây là việc phát triển theo chiều sâu nhằm tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh được với thế giới chứ không chỉ ở trong nước. Việc này cần có sự tư vấn đóng góp ý kiến của các nhà khoa học để tạo nên danh mục các sản phẩm chiến lược. Tiếp đó là xây dựng lộ trình thực hiện và tuyển chọn, giao các nhiệm vụ cho các nhóm nghiên cứu đã có kinh nghiệm và hỗ trợ các nhóm này thực hiện. Thu hút các nhà khoa học trẻ vào các nhóm nghiên cứu này và tổ chức theo mô hình vườm ươm. Tạo cơ chế tài chính riêng cho các nhóm này để các nhà khoa học tập trung cho mục tiêu cuối cùng là các sản phẩm có ý nghĩa cả về công bố lẫn ứng dụng. Nếu làm như vậy sẽ tránh lãng phí ngân sách nhà nước và đồng thời tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa thiết thực.

Đánh giá cao mô hình V-KIST mà Bộ KHCN đang triển khai, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn nhận định, để có thể thu hút các nhà khoa học trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, thứ nhất, cần xây dựng các mô hình trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Center of Excellent – CoE) quy tụ các nhà khoa học giỏi không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới về làm. Thứ hai, xây dựng định hướng chiến lược cho các CoE này gắn chặt với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm tạo ra các sản phẩm (khoa học và ứng dụng) có khả năng cạnh tranh với thế giới. Thứ ba, thu hút nhà khoa học trẻ về các CoE và cải cách chế độ tiền lương. Không xếp lương nhà khoa học theo chế độ thang bậc như hiện nay sẽ khiến cho nhà khoa học trẻ không toàn tâm nghiên cứu. Thứ tư, tạo các điều kiện để các nhà khoa học trẻ được giao lưu học hỏi nhằm nâng cao trình độ và phát triển trình độ chuyên môn. Thứ năm, cần có cơ chế đánh giá công bằng các kết quả đạt được để từ đó khuyến khích thúc đẩy phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp như các quỹ đầu tư, các nhà tư vấn… để hỗ trợ các startup. Muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, theo Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, cần có sự liên kết giữa 3 nhà, gồm: Trường Đại học/ Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp - Chính phủ. Chính phủ thông qua Bộ KHCN đặt các bài toán cho doanh nghiệp thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm. Doanh nghiệp sẽ liên kết với trường ĐH và Viện nghiên cứu để phát triển các nguyên mẫu (prototype) cho mình thông qua các dự án R&D lấy kinh phí từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi prototype triển khai thành công, thì doanh nghiệp sẽ thực hiện sản xuất trên quy mô thí điểm và doanh thu của sản phẩm sẽ hỗ trợ một phần cho trường đại học và viện nghiên cứu cũng như đóng thuế cho nhà nước để tái xây dựng Quỹ. Chỉ với mô hình liên kết như vậy sẽ tạo ra sản phẩm vừa có hàm lượng tri thức cao vừa có ý nghĩa ứng dụng và giảm bớt các tác động rủi ro có thể mang lại.