Bản in
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong mối liên kết Nhà nước và doanh nghiệp
Đó là nội dung được các chuyên gia đề cập tới trong cuộc hội thảo cùng tên vừa được Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở Hà Nội ngày 3/12/2010.
Hội nhập kinh tế thế giới, để cạnh tranh thắng lợi và phát triển bền vững, nâng cao năng lực công nghệ có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp. Có thể nói, đến nay, những yếu tố về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã từng bước được các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng trong tất cả các ngành kinh tế và nó đã thúc đẩy trực tiếp quá trình phát triển làm cho chất lượng tăng trưởng cũng như trình độ công nghệ trong từng ngành, từng sản phẩm, từng doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Một trong những nguyên nhân của thành quả ấy chính là nhờ đã có sự liên kết giữa doanh nghiệp với Nhà nước, các tổ chức và nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Thực tế, những bức bách về công nghệ trong chu trình sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã được giải quyết thông qua các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong mối liên kết nêu trên. Đồng thời, Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, tạo khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc đổi mới và chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế, tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ còn rất thấp, do thông tin về các yếu tố công nghệ, nhu cầu công nghệ, nguồn cung công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động thống kê chuyển giao công nghệ mới chỉ giới hạn ở việc thu thập danh mục công nghệ, tổng hợp một số hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký và cấp phép nhưng cũng còn phân tán, thiếu đồng bộ và thiếu tính hệ thống. Trong khi thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cần biết những thông tin về công nghệ, nguồn cung, thị trường công nghệ… để đổi mới, chuyển giao; chính sách pháp luật đã ban hành cũng đòi hỏi cần có hệ thống chỉ tiêu thống kê chuyển giao công nghệ phục vụ cho công tác quản lý cũng như thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ… thì điều này lại chưa đáp ứng được.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Trần Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa thuộc Bộ Công Thương cho rằng, để chuyển giao nhanh các sản phẩm công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất, cần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, đặc biệt là các loại hình chợ công nghệ và thiết bị (cả chợ thực và chợ ảo); cần có một cơ quan Nhà nước làm đầu mối kết nối cung, cầu công nghệ hoạt động hiệu quả giúp các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… rút ngắn được quá trình tìm hiểu thị trường và tìm hiểu nguồn cung, cầu công nghệ cũng như các sản phẩm công nghệ cao; tổ chức xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu về cung, cầu công nghệ cả ở thị trường trong và ngoài nước.
Vẫn theo ông Thủy, Nhà nước cần tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao từ các đề tài “nghiên cứu khoa học công nghệ & phát triển công nghiệp”; hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, doanh nghiệp triển khai kết quả nghiên cứu công nghệ ở giai đoạn sản xuất thực nghiệm; sẵn sàng giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp trong quá trình triển khai sản xuất thực nghiệm giúp các nhà khoa học có điều kiện hoàn thiện sản phẩm hơn. Với các dự án sản xuất thực nghiệm có kết quả triển khai tốt, Nhà nước không nên thu hồi kinh phí thực hiện dự án mà còn nên dành một khoản kinh phí khen thưởng các nhà khoa học dám theo đuổi đến cùng sản phẩm và đề tài nghiên cứu.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, thuộc Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì cho rằng: Bộ Khoa học Công nghệ cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cũng như việc hoạch định các chính sách về ứng dụng và phát triển công nghệ; ban hành và tổ chức thực hiện thường xuyên chế độ báo cáo, điều tra thống kê nhằm thu thập đầy đủ thông tin về ứng dụng và phát triển công nghệ; xây dựng và tổng hợp hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp quốc gia và cấp bộ, ngành về ứng dụng và phát triển công nghệ nhằm phục vụ tích cực cho công tác hoạch định chính sách cũng như cung cấp thông tin về thị trường công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp…/.
Việt Anh