Bản in
Đưa khoa học công nghệ đến trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực
Ứng dụng các công nghệ cao, đẩy mạnh tốc độ phát triển thị trường công nghệ, xây dựng và đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao Đà Nẵng, khai thác hiệu quả khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP.HCM, thu hút coi trọng trí thức Việt kiều ở nước ngoài… là những “nước cờ” của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn tới nhằm đưa nền KH&CN Việt Nam đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực
Trong thời gian qua (2006-2010), hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN ở tất cả các ngành, lĩnh vực đã có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ của DN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều DN Việt đã có đủ năng lực thiết kế, chế tạo thành công các thiết bị phức tạp mà trước đây phải nhập khẩu toàn bộ, làm tổng thầu các công trình lớn và làm lợi cho đất nước hàng chục triệu USD.
Cụ thể như làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công xây dựng các nhà máy thủy điện công suất lớn như thủy điện Sơn La; máy biến áp công suất lớn với tỷ lệ nội địa hóa cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia. Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã đạt trình độ khu vực và quốc tế như Chip vi xử lý 32 bít, các phần mềm an ninh mạng của Bkav, các loại vacxin phòng bệnh viêm gan B từ Plasma, vacxin viêm gan A, vacxin Rota sống, các phương pháp ghép tạng trong y tế; các vật liệu mới: polyme blend, polyme composit, vật liệu chitosan và nanochitosan không độc, có tính an toàn sinh học cao, vật liệu nano huỳnh quang…
Bên cạnh đó, hàng loạt công nghệ hiện đại được ứng dụng thành công như mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ GSM, CDMA, 3G. Một số DN công nghiệp phần mềm đã có khả năng thắng thầu những dự án lớn về gia công phần mềm. Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tạo được hơn 142 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, trong đó, chọn tạo và tuyển chọn được gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa đạt trên 52,3 tạ/ha năm 2010, đứng đầu Đông Nam Á, góp 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp…
Tuy nhiên, theo Bộ KH&CN, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam còn có khoảng cách nhất định về tiềm lực và kết quả hoạt động KHCN: tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học theo đầu người còn thấp, kết quả nghiên cứu - phát triển được công bố theo chuẩn mực quốc tế còn rất ít. Ngoài những công nghệ tiên tiến được đầu tư mới trong một số ngành lĩnh vực như viễn thông, dầu khí, hàng điện tử tiêu dùng, sản xuất điện, xi măng, nhìn chung trình độ công nghệ của các ngành sản xuất vẫn lạc hậu đã hạn chế năng lực cạnh tranh của các DN và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Thị trường KH&CN phát triển cũng chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Hoạt động mua, bán công nghệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu bị hạn chế do thiếu các tổ chức trung gian, môi giới, các quy trình pháp lý cần thiết về định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ và chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho các tổ chức và cá nhân…
Do vậy, trong gian đoạn tới (2011-2015), Việt Nam xác định tiếp tục nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tập trung xây dựng một nền khoa học và công nghệ có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực. Để làm được điều này, Bộ KH&CN cho biết bên cạnh việc tăng cường nhập khẩu công nghệ sẽ kết hợp với nâng cao năng lực nghiên cứu, giải mã, làm chủ, bản địa hóa công nghệ. Ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả nhằm đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 30%.
Đồng thời, đẩy mạnh tốc độ phát triển thị trường công nghệ. Tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ, phấn đấu mức tăng trưởng giá giao dịch mua bán công nghệ đạt bình quân 30-35% mỗi năm. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách thu hút trọng dụng đãi ngộ xứng đáng cán bộ KH&CN tài năng, đặc biệt coi trọng trí thức kiều bào ở nước ngoài. Xây dựng và đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao Đà Nẵng; khai thác có hiệu quả hai khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP.HCM, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu phần mềm và khu công nghệ thông tin tập trung đã được xây dựng./.
Quỳnh Nga