Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu của mình tại cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức mới đây. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18.5.2015.
Sáng tạo quần chúng - nguồn lực dồi dào
Theo Thủ tướng, năng động, tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, sáng chế trong lao động sản xuất là một đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn sức mạnh vô tận. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, trong đó có coi trọng việc phát huy tính năng động sáng tạo, sáng chế trong nhân dân.
Hiện ở nước ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các công trình sáng tạo của quần chúng, nên cũng chưa có phân tích, đánh giá cụ thể, chính xác về hiệu quả, giá trị kinh tế - xã hội của các công trình sáng tạo này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những lợi ích thiết thực của các công trình sáng tạo phong phú của quần chúng đã góp phần tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới, mang lại năng suất lao động mới, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất và đời sống, tạo thành những tiến bộ kỹ thuật phổ cập trong vùng và lan tỏa nhanh trong toàn quốc. Có những sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài như: Máy gọt vỏ dừa tươi của ông Lê Tân Kỳ, lò sấy lúa của ông Dương Xuân Quả…
Một số nhà sáng chế không chuyên có sản phẩm tiêu biểu như ông Phạm Thanh Liêm ở Đồng Tháp đã sáng tạo máy sạ hàng, máy phun thuốc, máy gặt đập liên hợp. 6 năm qua (2009 - 2015), máy đã được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 1.000 máy, trong đó 30% đã được xuất khẩu sang các nước như Mozambique, Campuchia, Nigieria.
Hay ông Nguyễn Văn Nhân ở Thừa Thiên - Huế đã chế tạo máy ấp trứng có thể ấp nở các loại trứng gia cầm, chim cút, đà điểu, loại nhỏ nhất có năng suất ấp nở 300 trứng gà, loại lớn nhất 14.000 trứng gà với giá từ 5 - 90 triệu đồng/máy. Máy được đánh giá có tính ứng dụng cao, hiệu quả kinh tế, đã được thương mại hóa thành công ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia, đem lại doanh thu cho gia đình 2 tỉ đồng/năm.
Hoặc ông Nguyễn Văn Chiến (Hậu Giang) đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thoát nghèo bền vững, bắt đầu quen với mô hình làm ăn tập thể nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm giống, trồng thành công chanh không hạt theo quy trình VietGAP với trên 17,2ha, sau đó theo quy trình GlobalGAP với 13,2ha. Hiện HTX của ông không chỉ bao tiêu hết sản phẩm chanh không hạt của các thành viên, còn bao tiêu cả 297 hộ nông dân trong vùng với diện tích gần 200ha. Ngoài cung ứng cây giống, thu mua chanh tươi, HTX còn xử lý được sản phẩm sau thu hoạch bằng công nghệ lạnh đông, làm nước giải khát từ chanh muối, nước trái cây ép. HTX cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh để dự trữ chanh khi chính vụ.
Hỗ trợ tối đa các sáng tạo quần chúng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, với các nỗ lực của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sáng tạo đã từng bước lan toả trong xã hội.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lực lượng quần chúng trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN, những năm qua, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN đã có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến. Các văn bản này cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trong hỗ trợ chuyển giao sáng kiến của cá nhân, tổ chức không đủ năng lực áp dụng; hỗ trợ áp dụng sáng kiến lần đầu; công bố, phổ biến sáng kiến có khả năng áp dụng rộng, mang lại lợi ích lớn cho xã hội; tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm, diễn đàn cho hoạt động sáng kiến; ưu tiên cấp kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu phát triển và hoàn thiện, áp dụng sáng kiến.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, thành lập doanh nghiệp KH&CN để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể kể tới một số hoạt động nổi bật như: Khuyến khích, hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên tham gia chợ công nghệ và thiết bị (Techmart).
Ngay từ kỳ Techmart đầu tiên năm 2003, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho 10 nhà sáng chế không chuyên tham gia giới thiệu sản phẩm. Từ đó đến nay, trong các kỳ Techmart quốc gia, các sản phẩm tiêu biểu của các nhà sáng chế không chuyên đều được hỗ trợ tham gia hội chợ. Tại các kỳ Techmart, Bộ KH&CN đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 50 nhà sáng chế không chuyên có các sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại lợi ích cho xã hội. Các công nghệ, thiết bị đạt cúp vàng Techmart được quảng bá tại các hội thảo do Bộ KH&CN tổ chức, được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KH&CN. Nhiều nhà sáng chế không chuyên đã chuyển giao, hợp tác với các doanh nghiệp hoặc trực tiếp thành lập doanh nghiệp để hoàn thiện và ứng dụng các kết quả KH&CN nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tổ chức cuộc thi Sáng chế và các hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân. Trong 2 năm gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức các “Cuộc thi Sáng chế” với hàng trăm giải pháp dự thi thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo của người Việt.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách mới để khuyến khích hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân; và mỗi sáng tạo, sáng chế của người dân phải được trân trọng và phát huy. Đồng thời yêu cầu Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất để xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân. Trong đó, Nhà nước sẽ bảo đảm, hỗ trợ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thương mại hóa sản phẩm; phổ biến, quảng bá các sáng tạo sáng chế cũng như các chính sách khuyến khích về thuế, tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng… |