|
|||
Điểm sáng về gắn kết 4 “nhà” Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) là viện đầu ngành về lĩnh vực công nghệ sinh học - công nghiệp thực phẩm. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện chuyển biến rõ nét trong 5 năm gần đây. So với giai đoạn 2001 – 2005, các bài báo, công trình khoa học được cấp bằng phát minh sáng chế tăng 40%, các đề tài, dự án ứng dụng vào thực tế sản xuất tăng 18%, đã ký 183 hợp đồng dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng 17%. Viện đã thực hiện các hợp đồng về tư vấn VSATTP, và phân tích giám định chất lượng sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần (CTCP) Bia Hà Nội, CTCP Bia - rượu - nước giải khát Hạ Long, CTCP Bia Kim Bài, CTCP Nước mắm Nghệ An, các cơ sở sản xuất nem chua (Thanh Hóa),… Công nghệ được chuyển giao chủ yếu về sản xuất đồ uống, chế biến các sản phẩm từ bột, chế biến nông sản, sản xuất thực phẩm chức năng, gia vị, bảo quản và chế biến sữa, xử lý nước thải.
Việc đưa ra những quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, luật an toàn thực phẩm là điều cần thiết
Ngoài việc chú trọng chuyển giao công nghệ, Viện còn trao đổi, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân các cơ sở chế biến thực phẩm, hướng dẫn chi tiết về biện pháp bảo đảm VSATTP, giúp doanh nghiệp kiểm tra chất lượng VSATTP, đưa ra phương pháp để sản phẩm xuất xưởng luôn đạt chất lượng. Đẩy mạnh liên kết 4 “nhà” PGS.TS. Lê Đức Mạnh khẳng định chủ trương liên kết 4 “nhà” của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng, giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mấy năm qua, công tác tuyên truyền VSATTP được các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông quan tâm, vào cuộc nên nhận thức về VSATTP đã tăng lên, đặc biệt là các công ty chế biến thực phẩm lớn. Tuy nhiên, tại các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thủ công còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Để vấn đề ATVSTP hiệu quả, 4 “nhà” cần làm tốt nhiệm vụ của mình và liên kết chặt chẽ hơn nữa. Nhà quản lý, nhà khoa học cần phối hợp để đưa ra những quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, luật an toàn thực phẩm, phương pháp kiểm nghiệm,…; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; hoạch định chính sách, chiến lược quốc gia về ATVSTP. Nhà khoa học tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức ATVSTP cho nhà sản xuất, nhà nông, người tiêu dùng; tư vấn, giám định, phản biện xã hội về VSATTP; tham gia các hội đồng khoa học đánh giá kết quả các đề tài, dự án về lĩnh vực này. Nhà sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng trong mối liên kết 4 “nhà”. Họ là người tạo ra sản phẩm cung cấp cho xã hội. Vì vậy, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhà sản xuất nên áp dụng quy trình công nghệ mới, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: ISO9001, ISO22000, GAP,… theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng an toàn từ nguyên liệu ban đầu đến cả quá trình sản xuất, bảo quản, bao gói, vận chuyển; kịp thời xử lý sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng; bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm do mình sản xuất;… Sẵn sàng đón nhận kết quả nghiên cứu khoa học về các sản phẩm mới do các nhà khoa học chuyển giao. Nhà nông, người tiêu dùng nên tiếp thu, trao đổi kiến thức khoa học và pháp luật về chất lượng an toàn thực phẩm; kịp thời phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước khi phải sử dụng thực phẩm không an toàn. Nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần kiến nghị với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và đưa ra các biện pháp bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm tại cộng đồng. Nhà quản lý cần đóng vai trò điều hành quan trọng, là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu khả năng và nhu cầu của nhau để từ đó xây dựng chương trình phối hợp nghiên cứu – sản xuất, đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển bền vững. Hoàng Khuê |