|
|||
Theo ông Trần Đắc Hiến, Dự án BIPP sử dụng vốn ODA của Chính phủ Vương quốc Bỉ được khởi động từ ngày 22/6/2011 tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt - Bỉ, thuộc Chương trình hợp tác định hướng giữa Việt Nam và Bỉ giai đoạn 2011 - 2015. Sau hơn 2 năm xây dựng dự án với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Bỉ, Cơ quan Phát triển Bỉ, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và nhóm chuyên gia tư vấn, Dự án đã được hoàn thành. Ngày 20/01/2014, tại Hà Nội, ông Johan Vande Lanotte, Phó Thủ tướng Vương quốc Bỉ, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế đại diện Chính phủ Bỉ và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định cụ thể của Dự án BIPP. Sau một thời gian chuẩn bị, đến nay, các công việc chuẩn bị cho Dự án về cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực đã cơ bản được hoàn thành để đi vào hoạt động. Tại buổi lễ, ông Geert Vansintjan đánh giá cao sự đóng góp của Bộ KH&CN, các cơ quan đối tác và các tổ chức trong việc xây dựng Dự án. Dự án này sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trở thành nước công nghiệp hoá vào năm 2020 thông qua một lực lượng vững mạnh là các doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, Dự án này cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi Lễ. Phó Đại sứ Geert Vansintjan kỳ vọng, Dự án sẽ tạo nên những thay đổi về khung chính sách và pháp luật thông qua việc hỗ trợ đưa tri thức áp dụng vào đổi mới, kinh doanh và ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam. Trước mắt, sẽ áp dụng thử nghiệm tại 2 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, thông qua Quỹ Innofund - quỹ hỗ trợ quá trình tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN vừa và nhỏ tiềm năng, Phó Đại sứ cho biết. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực rất năng động, đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đang dựa vào lợi thế về đất đai, chi phí lao động rẻ, chưa sử dụng yếu tố quan trọng là đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Phó Đại sứ Geert Vansintjan chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Quản lý Dự án BIPP. Vì vậy, việc xây dựng hoàn thiện khung pháp lý để hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN gắn với hoạt động của các viện nghiên cứu, trường đại học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu là một giải pháp quan trọng có ý nghĩa đột phá để phát triển kinh tế – xã hội. Việc triển khai Dự án BIPP sẽ giúp hình thành các giải pháp tổng thể để hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Với vai trò là cơ quan chủ quản, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi đối với Ban quản lý Dự án BIPP để Dự án thực hiện đầy đủ các nội dung và tiến độ, góp phần thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp KH&CN tại Việt Nam. Tin, ảnh: Hạnh Nguyên
|