Bản in
Đầu tư cho khoa học và công nghệ
"Việt Nam đang rất thiếu cán bộ đầu ngành, những người có năng lực quản lý và chỉ huy những công trình trọng điểm của đất nước, có thể thay thế chuyên gia nước ngoài", Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết.

 

- Bên cạnh những thành tựu, thời gian qua những vấn đề nào của KH&CN Việt Nam khiến ông trăn trở?

- Thời gian qua, thành tựu nổi bật nhất là các chương trình trọng điểm quốc gia về khoa học công nghệ tập trung giải quyết các vấn đề của đời sống như chip điều khiển 32 bit của ĐH Quốc gia TP HCM, các sản phẩm cơ khí công nghiệp, các thiết bị của nhà máy điện 600 MW, nhà máy thủy điện lớn, cần cẩu siêu trường siêu trọng...

Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, đã đặt nền tảng pháp lý cho khoa học công nghệ, đầu tư được hệ thống cơ sở vật chất đủ mạnh. Nhiều viện nghiên cứu, phòng nghiên cứu trọng điểm đạt trình độ cao, trang thiết bị tương đối tốt. Chúng ta đã có đội ngũ nhân lực đông đảo. Tôi rất mừng là đội ngũ cán bộ khoa học, nhất là các cán bộ trẻ đã trưởng thành và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn vì thiếu những cán bộ đầu đàn để có thể chủ trì những công trình lớn của đất nước. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tiếp tục đầu tư cho hạ tầng về khoa học công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao và tháo gỡ những vướng mắc về tài chính.

- Vậy trong giai đoạn tới, những vấn đề gì sẽ được quan tâm tập trung nhất, thưa Thứ trưởng?

- Có 3 vấn đề đặc biệt phải quan tâm để tháo gỡ. Thứ nhất là vấn đề đầu tư cho KHCN. Hiện, ngân sách nhà nước đã cố gắng đảm bảo mức đầu tư cho KHCN theo Nghị quyết của Quốc hội dành 2% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, đầu tư của xã hội và doanh nghiệp cho KHCN còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, để phát triển KHCN, cần thu hút nguồn đầu tư lớn, gấp 2-3 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước thì mới đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm hơn nữa việc trích một phần lợi nhuận của mình để đầu tư cho phát triển KHCN.

Tiếp đó là việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Hiện, Việt Nam có số lượng cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học tương đối đông nhưng lại rất thiếu cán bộ đầu ngành, những người có năng lực quản lý và chỉ huy những công trình lớn trọng điểm của đất nước để có thể thay thế chuyên gia nước ngoài; thiếu các nhà khoa học trẻ có triển vọng đảm đương được trọng trách lớn trong các ngành KHCN.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đầu tư cho hạ tầng công nghệ. Mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm, đầu tư hạ tầng các trang thiết bị cần thiết, cơ sở nghiên cứu... nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn, trình độ của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, hệ thống dịch vụ KHCN của đất nước vẫn còn thiếu các trang thiết bị, có đủ năng lực kiểm định, xét nghiệm và triển khai các hoạt động dịch vụ KHCN.

- Vậy mức đầu tư cho KH&CN và đóng góp của ngành đối với phát triển kinh tế xã hội sẽ có những bước đột phá gì lớn, thưa Thứ trưởng?

- Chúng ta sẽ tập trung triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu lớn, nâng chỉ tiêu KHCN phục vụ các dự án kinh tế lên 50%. Cùng với đó sẽ bố trí 50%chương trình KHCN trọng điểm phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Ở các lĩnh vực sẽ tập trung triển khai mạnh về công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí tự động hóa...

Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ, trong 10 năm tới có thể đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 14-15% một năm để đến năm 2020, thị trường KHCN có thể phát triển với giá trị giao dịch tăng gấp khoảng 4 lần so với hiện nay, đảm bảo giá trị mua bán công nghệ đạt mức tăng trưởng bình quân 20-25%. Hiện, mức tăng trưởng của thị trường công nghệ mới chỉ đạt dưới 10%.

- Theo Thứ trưởng, làm thế nào để các doanh nghiệp và xã hội chú trọng hơn đầu tư cho KH&CN?

- Hiện, các doanh nghiệp còn ít quan tâm đầu tư cho KHCN, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nghịch lý là nhiều doanh nghiệp kinh tế ngoài nhà nước, quan tâm đầu tư cho KHCN nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn lớn thường ỷ lại việc nhập khẩu công nghệ là chính, ít đầu tư cho đào tạo cán bộ...

Dù Nhà nước đã có những cơ chế chính sách vừa hỗ trợ, khuyến khích, vừa bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho KHCN, điển hình là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp được phép trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư phát triển KHCN của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do chế tài của luật chưa đủ mạnh nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.

Thời gian tới sẽ phải điều chỉnh, yêu cầu các doanh nghiệp trích một tỷ lệ nhất định, có thể ít nhất là 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Bên cạnh đó cần phải thành lập các Quỹ phát triển KHCN từ doanh nghiệp đến các địa phương, và các tổ chức cá nhân để tăng nguồn vốn đầu tư cho KHCN với các cơ chế tài chính thông thoáng để doanh nghiệp, nhà khoa học có thể tiếp cận nguồn vốn.

Những năm tới, Việt Nam cũng cần cải tiến những cơ chế chính sách khác, đặc biệt là cơ chế về tài chính, đơn giản hóa các thủ tục lập dự toán, nghiệm thu, thanh quyết toán và giải ngân cho các đề tài, các dự án sản xuất thử nghiệm... để các nhà khoa học có thể "sống được và sống tốt" bằng lao động sáng tạo của mình.

- Những khó khăn về cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn vướng mắc và chưa tháo gỡ được. Tình trạng này sẽ được giải quyết thế nào trong thời gian tới?

- Từ trước tới nay, nguồn tài chính cho KHCN chủ yếu từ ngân sách nhà nước và được quản lý theo Luật Ngân sách nên cơ chế rất chặt chẽ. Vì vậy, điều chúng tôi quan tâm và mong muốn đó là tăng nguồn kinh phí từ đầu tư của xã hội và doanh nghiệp cho KHCN. Đây là nguồn tài chính không bị ràng buộc bởi những cơ chế hành chính. Khi doanh nghiệp đầu tư cho KHCN thì các nhà khoa học có thể sử dụng nguồn đầu tư này một cách thuận lợi hơn, với cơ chế thông thoáng hơn khi đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra theo yêu cầu và việc thẩm định đầu vào.

Đối với ngân sách nhà nước, mặc dù thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã có một số văn bản tháo gỡ với việc ban hành Thông tư 93 về khoán, Thông tư 44 về định mức... Tuy nhiên, cho dù có cải tiến, tháo gỡ thì sẽ vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, hạn chế nhất định.

Thời báo Kinh tế