Bản in
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ - Cải thiện nguồn vốn và hành lang pháp lý
Với khoảng 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010, các chuyên gia tham gia hội thảo về quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ do Học viện Tài chính tổ chức ngày 11/11/2010 cho rằng có thể huy động khoảng gần 20.000 tỷ đồng từ doanh nghiệp mỗi năm cho phát triển khoa học và công nghệ.

Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ ở các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm một tỷ trọng rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, Nhà nước chỉ bố trí được khoảng 0,2% tổng chi ngân sách, tương đương 0,5% GDP cho hoạt động khoa học và công nghệ. Tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp còn ít hơn, chưa đến 0,1% GDP. Lý do của tình trạng này là hầu hết doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ban đầu phải lo tồn tại trong thương trường, chưa có điều kiện đầu tư cho khoa học và công nghệ. Mức đầu tư bình quân cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho một tạp đoàn lớn của Nhà nước chỉ đạt từ 5,8 tỷ đồng (năm 2005) đến 8,5 tỷ đồng (năm 2007), khoảng 10 tỷ đồng (năm 2009) trong khi mức lợi nhuận trước thuế là hàng chục nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỉ suất đầu tư cho khoa học và công nghệ không đáng kể. Nhằm động viên doanh nghiệp tích cực đầu tư cho khoa học và công nghệ, Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi mới. Trong đó, Luật Thuế thu nhập nêu rõ: “Doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của luật pháp Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.

Theo TS. Đặng Văn Thanh, chuyên gia kinh tế tài chính, sự tụt hậu về công nghệ chính là rào cản lớn cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung, cũng như việc cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Ngô Thế Chi nhận định rằng, đang tồn tại một khoảng cách rất xa giữa việc ứng dụng và chuyển giao, phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Thực trạng này kéo dài sẽ là cản trở sự phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để nguồn lực gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm dành cho khoa học và công nghệ phát huy hiệu quả, rất cần phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ, đồng bộ. Dựa trên nghiên cứu về sự thành công của quỹ Khoa học và công nghệ ở Trung Quốc. GS. Trần Tư Nguyên, Học viện Kinh tế tài chính Quảng Tây, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về một số nguyên tắc quản lý để Quỹ Khoa học và công nghệ được thực hiện hiệu quả. Thứ nhất, tiến hành kiểm tra dự án hàng năm theo hợp đồng dự án. Thứ hai, quản lý kinh phí cần phải thực hiện riêng biệt với tài khoản riêng, sử dụng riêng để nâng cao hiệu quả đầu tư của Quỹ Khoa học và công nghệ. Nguyên tắc thứ ba là tăng cường quản lý dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Hội thảo cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta. Trước hết, nên nghiên cứu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng một tỷ lệ trích lập Quỹ khoa học và công nghệ cao hơn so với các doanh nghiệp lớn (khoảng 15-20%). “Không lo ngại khả năng lợi dụng quỹ để hoãn thuế của các doanh nghiệp vì nếu trích Quỹ mà không sử dụng sẽ bị truy thu và phải trả lãi cho Nhà nước”, ông Trường phân tích. Hai là, cần xác định rõ những khoản chi thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ba là, cần xây dựng chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của Quỹ cho từng nhóm doanh nghiệp và trên phạm vi toàn quốc.

(Thời báo Kinh tế Việt Nam)