|
|||
Viện KIST – lực đẩy để Hàn Quốc cất cánh Trong chương trình Đối thoại chính sách “Kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế tài chính cho KH&CN và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ KH&CN, Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức mới đây, GS.Ju-Ho Lee - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và KH&CN Hàn Quốc khẳng định, nếu không có KH&CN, Hàn Quốc đã không đạt được mức phát triển, tăng trưởng như hiện nay. Cũng theo GS.Ju-Ho Lee, điều đặc biệt, trong những năm gần đây, rất nhiều quốc gia đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Cụ thể, khi GDP tính theo đầu người đã đạt mức 5.000 USD, 6.000 USD thì sau đó các quốc gia cứ giậm chân tại chỗ quanh ngưỡng thu nhập này. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế rất ổn định trong nhiều thập kỷ. Rất nhiều chuyên gia lớn cho rằng, đây chính là vai trò của KH&CN. Hàn Quốc đã chi gần 4,5% GDP quốc gia cho KH&CN, trong khi phần của doanh nghiệp chiếm tới 75% của nguồn kinh phí này. Hàn Quốc đã cất cánh từ một nước nghèo khó đi lên công nghiệp và hiện đại hóa. Sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và đầu tư mạnh mẽ cho KH&CN, có chính sách thu hút người tài, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp,… là những kinh nghiệm để nền kinh tế cũng như KH&CN Hàn Quốc có tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện tại. GS.Ju-Ho Lee chia sẻ, cách đây 50 năm, mặc dù còn là quốc gia nghèo khó nhưng ngay từ thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đã nghĩ đến việc thành lập một viện nghiên cứu KH&CN và mời các nhà nghiên cứu giỏi nhất tham gia làm việc tại đây. Và năm 1966, Viện KH&CN Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST) được thành lập tại Seoul. Với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng tới một xã hội phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại, Viện đã tiến hành nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc. Với các chính sách thu hút nhân tài, Chính phủ đã mời được các nhà khoa học giỏi nhất đến tham gia làm việc tại KIST. Cụ thể, khi tham gia và làm việc tại Viện, họ được trả mức lương cao gấp 3 lần so với các giáo sư đại học thông thường. Ngoài lương còn có các phúc lợi khác như nhà ở, phương tiện đi lại,… Thời kỳ đó, Quốc hội Hàn Quốc đã ra một đạo luật dành riêng cho Viện KIST. Đó là điều chưa có tiền lệ. Viện KIST cũng đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ Chính phủ cũng như lãnh đạo chính trị Quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee thời kỳ đó là người hậu thuẫn viện KIST. Ông thường đến thăm Viện KIST để nói về KH&CN với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Và chính ông cũng đã chia sẻ với người dân ông coi trọng Viện KIST như thế nào. Không chỉ nghiên cứu theo đặt hàng, Viện KIST còn có vai trò kết nối các nhà khoa học ở viện nghiên cứu nhà nước, trường đại học nghiên cứu với nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở các doanh nghiệp. Đây là giải pháp Chính phủ đưa ra để gắn kết các nhà khoa học làm việc ở các viện nghiên cứu của nhà nước với nhà nghiên cứu làm việc tại các doanh nghiệp. Cụ thể, các nhà nghiên cứu làm việc tại doanh nghiệp tập trung vào giai đoạn ứng dụng, còn các nhà nghiên cứu làm việc tại viện nghiên cứu nhà nước tập trung vào giai đoạn ban đầu, giai đoạn nghiên cứu cơ bản. Với sự quan tâm và chính sách thu hút nhân tài như vậy, Viện KIST đã hoạt động mạnh mẽ ngay từ những năm đầu tiên thành lập. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, Viện KIST đã có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế Hàn Quốc. Theo thống kê của Hàn Quốc, những nghiên cứu của KIST đã đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, giúp nước này trở thành con rồng châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP tăng hơn 300 lần trong gần 50 năm. “Có lẽ nếu không có KIST, tốc độ phát triển nền kinh tế cũng như KH&CN của Hàn Quốc đã không được như ngày hôm nay”, GS.Ju-Ho Lee nhấn mạnh. Hợp tác xây dựng viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã ủng hộ ý kiến của Thủ tướng Việt Nam, giúp Việt Nam xây dựng viện nghiên cứu theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc, gọi tên là V-KIST. V-KIST được kỳ vọng sau 50 năm sẽ trở thành viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Việt Nam cần học tập Hàn Quốc trong việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Đầu tiên, phải có cơ chế để Viện V- KIST phát triển bằng việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành một đạo luật hoặc Nghị định của Chính phủ cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi kể cả về nhân lực, tài chính cũng như hoạt động của Viện. Thứ 2, phải có người đứng đầu quốc gia hỗ trợ cho Viện. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là Tổng thống Park-Chung Hee trực tiếp đỡ đầu cho Viện KIST. Ông quan tâm đến Viện KIST không chỉ từ việc xây dựng cơ sở ban đầu mà trong suốt quá trình phát triển của Viện. Nhân tố thứ 3 là phải có một đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi và có tư duy mới. Được biết, Bộ KH&CN dự kiến xây dựng một đạo luật đặc thù cho V-KIST trình Quốc hội nhưng Chính phủ thống nhất là chỉ cần ban hành một Nghị định là đã có thể cho V-KIST một cơ chế đặc thù, không cần Quốc hội phải ra một đạo luật dành riêng cho V-KIST. Hiện Bộ KH&CN đang xây dựng Nghị định và sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2014. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Bộ sẽ mời các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học giỏi trong nước tham gia vào Viện V-KIST với những cơ chế chính sách được Chính phủ ưu đãi. Ví dụ, chế độ lương sẽ do Viện quyết định chứ không phải theo thang bảng lương của công chức viên chức nhà nước như các viện nghiên cứu hiện nay. Các nhà khoa học được trang bị cơ sở vật chất tương đương với các cơ sở nghiên cứu hiện đại của các nước trên thế giới; có thể được trao quyền tự chủ cao nhất trong việc nghiên cứu cũng như công bố kết quả nghiên cứu; được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ; có quyền tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến lĩnh vực của mình mà không cần thủ tục phức tạp như hiện nay; ưu đãi trong việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đề tài nghiên cứu theo cơ chế tự chủ và cơ chế khoán...
Thời gian tới, các doanh nghiệp, các ngành,… sẽ đưa ra nhiều đề bài, yêu cầu nghiên cứu với Viện V-KIST. Điều quan trọng nhất là các nhà khoa học được tôn trọng, được giao quyền tự chủ trong tất cả công việc của mình, miễn sao đáp ứng yêu cầu của sản xuất kinh doanh, yêu cầu đặt hàng của nhà nước cũng như doanh nghiệp. Hy vọng với những bài học của Viện KIST, Viện V-KIST của chúng ta cũng có cơ hội phát triển để trở thành viện nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ. Dự án thành lập V-KIST đã được hai Chính phủ, các cơ quan liên quan hai nước trao đổi, thống nhất nhiều nội dung. Mới đây, Bộ KH&CN Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) đã ký kết biên bản hảo luận về Dự án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST). Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai dự án trong thời gian tới. GS.Ju-Ho Lee cho rằng, định hướng của Việt Nam để phát triển V-KIST là định hướng rất đúng. Ông mong muốn cũng như hy vọng lãnh đạo Nhà nước sẽ ủng hộ ý tưởng và hướng đi này. Với việc thành lập Viện V-KIST, sẽ phải mất nhiều năm sau đó chúng ta mới nhìn thấy rõ hiệu quả chứ đừng mong lợi nhuận hay kết quả sẽ đến ngay lập tức. Như Hàn Quốc, Viện KIST thành lập năm 1960 nhưng đến tận năm 1990 mới thấy rõ những thành quả, đóng góp của viện này. Chúng tôi nghĩ Việt Nam cũng phải nhìn vào tầm xa. Điểm bắt đầu bao giờ cũng phải cố gắng thu hút những nhà khoa học giỏi nhất vào V-KIST. Không có người tài, không có lực lượng lao động giỏi, chúng ta không thể có được viện nghiên cứu tầm quốc tế. Trong thời gian tới, có lẽ các nhà khoa học, doanh nghiệp và các ngành sẽ đưa ra nhiều đề bài, yêu cầu nghiên cứu của mình với Viện V-KIST. Nếu làm tốt, chính Viện V-KIST có thể tạo ra động lực để thành lập các doanh nghiệp mới, những lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam. Bài, ảnh: Quỳnh Chi
|