Bản in
Đầu tư cho khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động
Thảo luận về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, ý kiến ĐBQH cho rằng, quá trình tăng năng suất lao động của loài người luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị thiết bị kỹ thuật công nghệ cho lao động. Một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp là do công nghệ lạc hậu. Vì vậy, để góp phần tăng năng suất lao động, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ cần phải được làm mạnh hơn và quan tâm nhiều hơn; đã đến lúc vai trò của khoa học, công nghệ không chỉ nhìn nhận trong nghị quyết của Đảng mà cần hiện thực hóa trong đời sống xã hội…

Về chất lượng lao động của nước ta thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) tâm tư, thật sự đáng lo ngại bởi những con số có đến 50% lao động chưa qua đào tạo, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Năng suất lao động thấp do đâu?
 
Đại biểu Nguyễn Phi Thường lý giải, một trong những nguyên nhân là do công nghệ lạc hậu. Trình độ công nghệ hiện nay đang sử dụng ở Việt Nam thấp hơn tương đối nhiều so với các nước trong khu vực. Hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm. Tỷ trọng sử dụng các ngành công nghệ cao chỉ chiếm 12% đến 13%, công nghệ trung bình khoảng 10%, công nghệ thấp chiếm trên 60%. Trong khi các quốc gia trong khu vực đều có ngành công nghệ trung cao chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa của Việt Nam về năng lực cạnh tranh công nghệ. Bên cạnh đó hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng giảm thấp, đáng lo ngại cho khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thất thoát lãng phí.
 
Theo ĐBQH, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, năng suất lao động thấp một phần vì khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Để sản xuất không chỉ cần lao động mà phải có thiết bị công nghệ. Quá trình tăng năng suất lao động của loài người luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị thiết bị kỹ thuật công nghệ cho lao động. Như vậy phải có vốn đầu tư, tăng vốn đầu tư để cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa sản xuất. Một nước nghèo thì khả năng tự tiết kiệm để đầu tư hạn chế. Do vậy, phải có một quá trình tích lũy vốn và đầu tư hàng chục năm mới thực hiện được cơ khí hóa, tự động hóa và tin học hóa nền kinh tế.
 
Cùng với đó, năng suất lao động thấp còn do trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Theo tổng điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2000 - 2011, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ khoảng 2%, 88% doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ trung bình và trung bình thấp. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp và đầu người thấp của Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư, bổ sung hiện đại hóa thiết bị công nghệ, hầu hết các doanh nghiệp ở trong nước. 

Nhìn rộng ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trình độ công nghệ thấp và lạc hậu là do tỷ lệ đầu tư cho khoa học, công nghệ còn chưa tương xứng. Theo ĐBQH Trần Xuân Hùng (Hà Nam), thực tế kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ năm 2014 là 7.680 tỷ đồng, bằng 56% so với tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ. Tỷ lệ chi ngân sách dành cho khoa học, công nghệ không đạt 20% theo quy định và có hướng giảm dần. Năm 2014 giảm xuống còn 1,36% so với 1,42% năm 2013. Cơ chế chi tiêu cho khoa học có những vấn đề, vấn đề về tài chính chưa phù hợp với thực tiễn của việc hoạt động khoa học, công nghệ. Vì vậy, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ cần phải được làm mạnh hơn và quan tâm nhiều hơn.
 
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nhìn nhận, đầu tư xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước cho khoa học, công nghệ hầu như chưa có. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp chưa dành sự quan tâm cho việc này. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 25o/oo trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, nước ta gần như chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu của nó được thế giới biết đến. Hầu như không có công bố quốc tế, mỗi năm chỉ có 1-2 sáng chế được đăng ký tại các quốc gia có uy tín trên thế giới và chỉ có 7% người Việt Nam được đánh giá là có phẩm chất sáng tạo.
 
Đường lối phát triển đất nước của Đảng xem giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách, là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để từng bước nâng cao năng suất lao động của nước ta là đầu tư thực chất và hiệu quả phát triển khoa học, công nghệ. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, việc nhập khẩu công nghệ máy móc, thiết bị cần theo định hướng là công nghệ nguồn từ các nền kinh tế phát triển ở cấp độ vi mô. Nâng cao năng suất lao động có thể đạt được thông qua việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp ở cấp độ vĩ mô.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần đưa việc phát triển khoa học, công nghệ, trong đó có đầu tư cho khoa học, công nghệ và ứng dụng công nghệ trong nước là một trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm. Hàng năm, có quy định một tỷ lệ vốn nhất định trong tổng đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực khoa học, công nghệ; có cơ chế quản lý việc đầu tư khoa học, công nghệ phải gắn với sản phẩm khoa học, gắn với doanh nghiệp, người lao động và gắn với sản xuất. Đề tài, sáng kiến phải được ứng dụng trong thực tiễn để các sản phẩm sau khi ra đời, tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Đã đến lúc vai trò của khoa học, công nghệ không chỉ được nhìn nhận trong nghị quyết của Đảng mà cần hiện thực hóa trong đời sống xã hội.