|
|||
Vì sao Chính phủ lại loại trừ đầu tư tài chính cho phát triển KH&CN đối với các doanh nghiệp FDI có công ty mẹ ở nước ngoài?, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ KH&CN ông Nguyễn Ngọc Song cho rằng, lý do là ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra đối với khu vực doanh nghiệp này. Cụ thể là các doanh nghiệp FDI có thể lợi dụng để chuyển giá ra nước ngoài, làm thất thu thuế, thất thu ngân sách của nhà nước. Theo ông Song, Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN của Thủ tướng Chính phủ nằm trong Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ 01/12/2014. Đây là Nghị định cuối cùng quy định chi tiết một số điều của Luật KH&CN năm 2013. Điều đặc biệt quan trọng của Nghị định này là kinh phí đầu tư cho phát triển KH&CN không phân biệt thành phần kinh tế là loại nào bởi thực chất, đóng góp vào ngân sách nhà nước không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà có nhiều thành phần kinh tế khác. Chính vì vậy, đầu tư cho phát triển KH&CN phải bình đẳng. Trong khi đó, vào thời điểm xây dựng Nghị định này, Bộ Kế hoạch và đầu tư ý kiến rằng, với ngân sách hạn hẹp nên không thể đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, Chính phủ vẫn mở cửa và chấp thuận cho hướng đầu tư mới này. "Nếu có sự phân biệt, sẽ không tạo động lực cho nền kinh tế phát triển hoặc phát huy hết sức mạnh của nền kinh tế. Doanh nghiệp có mạnh hay không phụ thuộc rất lớn vào đầu tư cho phát triển KH&CN", ông Song nói. Cũng theo ông Song, vấn đề năng suất lao động của Việt Nam thời gian gần đây được đánh giá là kém và thấp hơn nhiều so với năng suất lao động của Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là, giá trị lao động chỉ dựa trên con người làm ra? Trong khi đó, năng suất lao động hiện nay dựa không ít vào KH&CN. Với quy định của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, việc đầu tư phát triển KH&CN ở doanh nghiệp được mở rộng hơn cho các tổ chức và các cá nhân. Hiện Chính phủ cũng đang sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ, hướng vào cổ phần hóa, chỉ giữa lại một số doanh nghiệp cốt lõi còn sẽ cổ phần hóa, tư nhấn hóa và đa sở hữu để huy động đa dạng nguồn lực đầu tư của xã hội. Chính sách mới về tài chính cho phát triển KH&CN ưu đãi nhiều với doanh nghiệp. Ảnh minh họa Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho KH&CN tại Việt Nam dưới các hình thức: Đầu tư trực tiếp, liên doanh, liên kết... Quỹ phát triển KH&CN do tổ chức, cá nhân thành lập là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để tài trợ không hoàn lại, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, bảo lãnh vốn vay, phục vụ nhu cầu phát triển KH&CN. Quỹ phát triển KH&CN của các tổ chức, cá nhân được hình thành từ vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân sáng lập không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn góp tự nguyện, hiến, tặng; các nguồn hợp pháp khác. Quỹ phát triển KH&CN do tổ chức, cá nhân thành lập được ưu tiên trong việc thuê đất xây dựng trụ sở chính và các chi nhánh của quỹ. Tại buổi Đối thoại chính sách: "Kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế tài chính cho khoa học - công nghệ và hàm ý cho kinh nghiệm ở Việt Nam” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào năm 2020, đã đến lúc Việt Nam cần phải có một cuộc cách mạng về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để đổi mới toàn diện công nghệ của các doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu, các trường đại học. "Với năng lực của nền kinh tế nước ta hiện nay, tỷ lệ chi 2% ngân sách cho R&D tuy không nhỏ nhưng về con số tuyệt đối thì còn rất nhỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức được, chỉ có hoạt động R&D mới tạo tiền đề để nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường thế giới, khi đó, sự đầu tư, tập trung cho R&D của các DN mới có thể khởi sắc hơn so với hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định.
|