|
|||
Mổ sẻ nguyên nhân Tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển tiềm lực KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do do Ủyb an nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ, Bộ KH&CN đồng tổ chức mới đây tại Thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Là vùng nông nghiệp trù phú của đất nước, sản xuất lúa gạo, hoa màu, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ, cung cấp lương thực thực phẩm và một phần cho các vùng lân cận đồng thời phục vụ cho xuất khẩu của quốc gia. Hai trong ba mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD xuất xử từ đây, đặc biệt là mặt hàng gạo đã vượt 5 triệu tấn. Việt Nam vẫn giữ vị trí nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người, ít dùng máy móc nên năng suất chưa đạt được mức sản xuất của nền công nghiệp được cơ giới hóa trong khu vực Asean. Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao để tiếp thu, làm chủ công nghệ mới phục vụ CNH- HĐH của vùng chưa nhiều. Các cơ sở KH&CN đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Công nghệ cao nghiên cứu để phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý điều hành các lĩnh vực trong vùng chưa đáp ứng kịp thời, nhiều yêu cầu phân tích, kiểm nghiệm phải mang đi nơi khác để kiểm tra, phân tích... Toàn vùng hiện có 6 trường đại học và cao đẳng, 33 viện nghiên cứu và tổ chức hoạt động KH&CN. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng hoạt động KH&CN hiện có trên địa bàn các tình, thành phố trong vùng, các chuyên gia cho rằng cần phải giải quyết các vấn đề như cơ chế quản lý chưa đồng bộ, cơ chế tài chính chưa hấp dẫn sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; trình độ năng lực của nhân lực trong hoạt động KH&CN còn thiếu, chưa đáp ứng được các lĩnh vực chuyên sâu; năng lực tài chính của các tổ chức KH&CN còn yếu kém, chủ yếu vẫn trong chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước; Hệ thống máy móc và cơ sở hạ tầng xuống cấp hoặc lạc hậu sự liên kết giữa các tổ chức KH&CN này đều hoạt động đơn lẻ, chủ yếu theo yêu cầu của ngành chủ quản. Phát triển nguồn nhân lực cho KH&CN là vấn đề cần quan tâm của KH&CN vùng ĐBSCL Đánh giá về những hạn chế trong hoạt động KH&CN vùng ĐBSCL, PGS.TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH&CN thẳng thắn: “Hoạt động KH&CN của vùng hiện có nhiều hạn chế, đó là tính liên kết trong hoạt động chuyển giao nghiên cứu khoa học trong thực tiễn sản xuất còn chưa cao. Những nghiên cứu chủ yếu vẫn là những nghiên cứu đơn lẻ, ví dụ có nơi chỉ nghiên cứu về giống lúa, có nơi chỉ nghiên cứu về đất đai, có nơi thì nghiên cứu về biến đổi khí hậu vì thế chưa có kết quả nghiên cứu đồng bộ để chuyển giao vào thực tiễn sản xuất. Điều này cũng thể hiện ngay cả ở những mô hình chuyển giao công nghệ, chưa có mô hình đồng bộ nên dù có chuyển giao thành công nhưng sự bền vững của mô hình còn hạn chế. Theo tôi, để chuyển giao công nghệ thành công ngoài vai trò của các nhà khoa học, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế và đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của nông dân và quan trọng hơn nữa là có sự tham gia của doanh nghiệp”. Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo: nếu những nguyên nhân trên không được khắc phục, mô hình hoạt động và mục tiêu đầu tư cho các tổ chức KH&CN không được nghiên cứu, điều chỉnh lại thì hoạt động KH&CN sẽ không được đảm bảo tính hiệu quả cũng như không đáp ứng lộ trình phát triển KH&CN mà các tỉnh, thành đã đặt ra. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực KH&CN là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố và toàn vùng. Phát triển tiềm lực KH&CN cần phát triển nguồn lực; phát triển cơ sở hạ tầng, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trung tâm nghiên cứu khoa học, đồi mới tổ chức quản lý KH&CN, xây dựng hệ thống các doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt cần có chính sách thu hút chung và đầu tư đặc biệt cho ươm tạo công nghệ; thu hút và kêu gọi các chuyên gia từ bên ngoài, kể cả mua, chuyển nhượng chuyên gia giỏi). Đồng thời thực hiện quy hoạch KH&CN, phân công cho một số tổ chức KH&CN đi vào các hướng chuyên sâu, mũi nhọn, chọn các sản phẩm KH&CN quốc gia, hình thành lên cơ chế liên kế vùng hiệu quả, đủ mạnh để phát huy lợi thế vùng ĐBSCL Nói về những giải pháp để phát triển KH&CN vùng ĐBCSL, TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp cho biết: Cần tập trung nghiên cứu và tăng cường hàm lượng khoa học để phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa, cá, tôm… Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng có những kết quả nghiên cứu định hướng cho vùng để các địa phương có thể áp dụng và nhân rộng. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng có những chỉ đạo liên kết vùng để tránh có sự nghiên cứu trùng lắp trong nghiên cứu. Vấn đề liên kết vùng cũng như những vấn đề tồn tại của hoạt động KH&CN cũng được TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Đại học Cần Thơ cho biết: Để chuyển giao được sản phầm nghiên cứu khoa học đến với người dân và đáp ứng đúng nhu cầu mong đợi của địa phương thì cần chú trọng đặc biệt đến các vấn đề liên kết với các địa phương ở khu vực ĐBSCL. Hiên nay, trường đại học Cần Thơ đã trực tiếp liên kết với các địa phương trong vấn đề giải quyết như thế nào các vấn đề còn tồn tại mà người dân cần thiết để có thể giúp cho khoa học phát triển. Bên cạnh đó, trường đang liên kết trực tiếp với doanh nghiệp. Như công ty bóng đèn Rạng Đông là doanh nghiệp đầu tiên đặt văn phòng đại diện tại trường đại học Cần Thơ. Hiện tại các vấn đề liên quan đến sử dụng công nghệ đèn led trong vấn đề xử lý về nông nghiệp để có thể kích thích tăng trưởng và có thể phát triển đc sản phẩm KH&CN chất lượng cao phục vụ cho ngành nông nghiệp… Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng quan điểm: không đầu tư cho KH&CN thì mãi không thoát nghèo. Chính vì vậy, một số giải pháp phát triển tiềm lực KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long được đưa ra bao gồm: Thực hiện quy hoạch và phát triển KH&CN; Phát triển nguồn nhân lực; Tập trung nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN; Tăng cường thông tin KH&CN; Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tăng cường đầu tư tài chính và cuối cùng là phát triển thị trường KH&CN. Nếu nỗ lực đầu tư theo các hướng trên, hy vọng KH&CN của vùng ĐBSCL sẽ có bước phát triển và phục vụ hiệu quả chiến lược của vùng. Bài và ảnh: Minh Châu |