Bắt đầu từ năm 2007, Chính phủ đã tạo cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất để khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp hình thành doanh nghiệp KHCN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, không ngừng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Năm 2009, chính phủ cũng đã định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản gắn với ứng dụng.
Đến nay, đã cơ bản hình thành hệ thống doanh nghiệp KHCN với 300 doanh nghiệp KHCN được lập mới. Có những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, thực sự là lực lượng sản xuất mới, sáng tạo được nhiều công nghệ có giá trị cao. Chẳng hạn như: công ty Dolsoft với phần mềm xử lý, quản lý thông tin địa lý; Bkis với phần mềm diệt virus và chính phủ điện tử; Sóc bay với trang tìm kiếm và phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động; Trung tâm thiết kế và đào tạo vi mạch Đại học Quốc gia Tp.HCM đã thiết kế, sản xuất thành công chip 8 bit vào năm 2008 và chip 32 bit vào năm 2010…
Sự phát triển của các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp công nghệ cao là một nhân tố quan trọng nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Việc tuyển chọn đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cũng theo tỷ lệ: 50% nghiên cứu phát hiện, thiết kể thử nghiệm trong phòng thí nghiệm; 30% hoàn thiện công nghệ, sản phẩm mẫu ở mức độ ổn định và 20% thương mại hóa công nghệ sản phẩm.
Gắn khoa học với sản xuất kinh doanh, là một nội dung quan trọng được báo cáo trong hội nghị về chiến lược phát triển KHCN 2001-2010, đánh giá kết quả hoạt động KHCN 2006-2010 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015. Hội nghị được tổ chức ngày 10/11/2010 tại Trung tâm hội nghị quốc tế. Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng hơn 400 đại biểu thuộc cơ quan nhà nước, các cán bộ KHCN và đại diện các doanh nghiệp.
Đánh giá thành tựu KHCN từ năm 2001-2010, GS. Nguyễn Văn Hiệu cho rằng. “10 năm qua là giai đoạn chấn hưng của KHCN Việt Nam”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tổng kết lại một số vấn đề của KHCN Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vì sao phải gắn KHCN với sản xuất và doanh nghiệp sử dụng KHCN vào sản xuất thì có lợi như thế nào. Từ những doanh nghiệp KHCN thành công, những lĩnh vực KHCN mà Việt Nam phát triển mạnh cũng như những lĩnh vực còn yếu kém, cần rút ra những bài học kinh nghiệm để KHCN hỗ trợ tốt hơn sự nghiệp CNH-HĐH trong thời gian tới.
Mục tiêu năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển ở mức trung bình tiên tiến, ngành KH - CN cần tạo những bước đột phá mạnh.Bởi vậy, 10 năm tới là những năm đặc biệt quan trọng đối với KHCN, là thời cơ để KHCN trở thành 1 lực lượng quan trọng và nhiều khi có tính chất quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
|