Được hay mất?
Theo thống kê của Bộ KH-CN, số lượng các tổ chức KHCN của Nhà nước chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa đạt tiến độ như mong muốn. Trong số 571 tổ chức KHCN mới chỉ có 249 tổ chức được phê duyệt sang loại hình tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên. Đáng nói là việc phê duyệt này nhiều khi mang tính đối phó do thời hạn được quy định trong Nghị định 115/2005 và Nghị định 96/2010 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2005) sắp đến gần. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức KHCN ngại chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước.
Ts Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KH-CN nhận định, điều đó bắt nguồn từ việc triển khai thực hiện Nghị định 115/2005 tại nhiều địa phương thiếu thống nhất, gây ảnh hưởng tới tâm lý của các tổ chức KHCN trong diện chuyển đổi. Đơn cử như số cán bộ của trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc diện chuyển đổi của một tỉnh miền núi không được đưa vào danh sách viên chức. Có địa phương lại chủ trương đưa số biên chế của Trung tâm thông tin KHCN (đã chuyển đổi theo Nghị định 115/2005) ra khỏi tổng số biên chế của thành phố. Trong khi nhiều nơi lại thực hiện rút bớt kinh phí hoạt động thường xuyên của các trung tâm đã chuyển đổi và dự kiến đến năm 2015, sẽ không cấp kinh phí hoạt động thường xuyên nữa. Do vậy, nhiều tổ chức KHCN sẽ có cảm giác như bị bỏ rơi hay bị đẩy ra ngoài hệ thống.
Bên cạnh đó, vì chưa nhận biết rõ những cái được khi thực hiện Nghị định 115, không ít tổ chức nằm trong diện chuyển đổi có nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hạn chế tỏ ra lo ngại, sau khi chuyển đổi sẽ khó hoạt động hiệu quả, nguồn thu bị hạn chế do không có hoặc ít sản phẩm KHCN được thương mại hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều tổ chức sau khi chuyển đổi lại có nguồn kinh phí từ các nhiệm vụ và dịch vụ KHCN lớn hơn rất nhiều lần so với kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp trước đây. Trong đó phải kể tới Viện Khoa học Vật liệu, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Viện Cơ khí Năng lượng mỏ… có nguồn thu từ các nhiệm vụ KHCN từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tự chủ chiếm tới 90% tổng doanh thu. Đó là những minh chứng cho thấy, chính sách chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong cơ chế quản lý của các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng KHCN mà còn góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học, mang tới doanh thu và lợi nhuận lớn cho các tổ chức này.
Gỡ vướng
Như đã khẳng định ở trên, nút thắt đầu tiên và quan trọng nhất cần tháo gỡ chính là nhận thức của các tổ chức KHCN nằm trong diện chuyển đổi. Không ít chuyên gia cho rằng, cần thống nhất nhận thức trong toàn xã hội, trong cộng đồng KHCN cũng như các bộ, ngành có liên quan nhằm, cải thiện tình trạng hiểu và nhận thức khác nhau về những vấn đề cơ bản.
Theo đó, trước hết các tổ chức KHCN cần thấy rằng, họ không hề bị bỏ rơi. Bởi theo khoản 5, Điều 4 Nghị định 96/2010, tổ chức KHCN thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định vẫn tiếp tục là đơn vị sự nghiệp KHCN của nhà nước (trừ trường hợp toàn bộ tổ chức chuyển đổi để thành lập doanh nghiệp KHCN). Bên cạnh đó, tổ chức KHCN công lập cũng được nhà nước giao biên chế, theo quy định tại Điều 13 Luật KHCN 2013, tức là được giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng như tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy hoặc các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng khác. Chưa hết, các tổ chức này còn được cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa tài sản cố định, bố trí trong phạm vi dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có một thực tế là các bộ, ngành, địa phương đã đủ cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 115/2005 song do chưa phân loại được tổ chức KHCN trong diện chuyển đổi nên còn lúng túng khi cấp các loại kinh phí như kinh phí hoạt động thường xuyên, nhiệm vụ KHCN của nhà nước hay đầu tư cơ bản. Do vậy, để minh bạch trong quá trình cấp kinh phí, cần phải xây dựng quy định phân loại mức độ tự chủ, đưa ra những tiêu chí rõ ràng, phù hợp đánh giá tính chất đặc thù của các sản phẩm nghiên cứu mà tổ chức KHCN làm ra trong thực tế, từ đó xác định đâu là những tổ chức nghiên cứu cơ bản cần được Nhà nước tài trợ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và đâu là những tổ chức làm nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHCN tự chủ toàn phần hay một phần.
Mặc dù theo điều 16 Nghị định 115/2005, các bộ, ngành chuyên trách chủ trì phải xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn quy chế chi tiêu nội bộ, lập dự toán, quyết toán hoạt động tài chính của các tổ chức KHCN nhưng cho tới nay, sau gần 9 năm thực hiện Nghị định vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tài chính cho các tổ chức KHCN thực hiện chuyển đổi. “Đây là nút thắt cổ chai đã tồn tại quá lâu mà các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ, tránh để lãng phí nguồn nhân lực đất nước” - Ts Hồ Ngọc Luật khuyến nghị. |