Bản in
Những điểm mới trong Nghị định sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN
Tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) phát huy tối đa năng lực và được hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động KH&CN;… Đó là nguyên tắc của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 20/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Nghị định được đánh giá là sự đột phá lớn trong chính sách KH&CN để thu hút nhân tài với những đổi mới sau.

Xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm

Điểm mới của việc xét tuyển và bổ nhiệm nhân sự trong hoạt động KH&CN của Nghị định là việc xét đặc cách, không phải theo quy định trước đó nếu đáp ứng đủ các quy định đề ra. Theo Nghị định, cá nhân có thành tích trong hoạt động KH&CN, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm được xét tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng IV, hạng III không phải qua tập sự, được xếp vào bậc lương phù hợp với trình độ đào tạo theo quy định.

Thay vì phải thi thăng hạng, xét năm công tác mới được bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ, với Nghị định mới, quy định này được bãi bỏ và được xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn. Quy định này áp dụng nếu người đang giữ hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ tại các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN, trong thời gian giữ hạng chức danh đạt các điều kiện quy định, đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn. Việc đặc cách này chỉ áp dụng một lần đối với một cá nhân hoạt động KH&CN đang giữ hạng chức danh.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu

Để sử dụng nguồn chất xám của người làm KH&CN, Nghị định đã cho phép cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức KH&CN được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý nếu đáp ứng các điều kiện quy định.

Cụ thể: Không quá 10 năm đối với giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; Không quá 7 năm đối với phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; Không quá 5 năm đối với người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng II là tiến sĩ.

Nghị định cũng quy định người được bổ nhiệm chức danh khoa học, chức danh công nghệ trong đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động KH&CN được nâng vượt bậc lương trong cùng hạng chức danh nếu không vi phạm kỷ luật và đạt các điều kiện quy định. Các cá nhân này được nâng lương vượt bậc không quá 2 bậc lương trong cùng hạng chức danh và không thực hiện nâng lương vượt bậc 2 lần liên tiếp.

Ngoài các chính sách ưu đãi trên, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ còn được tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác; xem xét hỗ trợ kinh phí công bố kết quả KH&CN trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng...

Dành hẳn một chương quy định về trọng dụng nhân tài

Đây có lẽ là điểm nhấn của Nghị định bởi có hẳn một chương để nói về chính sách trọng dụng nhân tài. Trong đó, Nghị định đã có những quy định 3 nhóm đối tượng đặc thù là nhà khoa học đầu ngành; nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng.

Đáng lưu ý, chính sách trọng dụng nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng đó là được chủ động sử dụng kinh phí được giao theo phương thức khoán chi theo quy định. Đặc biệt, các vướng mắc như trả lương, thuê đất, mua sắm trang thiết bị, thuê hoặc mời chuyên gia trong nước và nước ngoài…đều có cơ chế chủ động.

Nghị định quy định nhiều chính sách ưu đãi với các nhà khoa học trẻ tài năng

Đối tượng là nhà khoa học trẻ tài năng, Nghị quy định nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động KH&CN dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên và phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về KH&CN trong nước hoặc quốc tế; là tác giả chính ít nhất 5 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; hoặc chủ biên ít nhất 3 sách chuyên khảo; hoặc là tác giả của ít nhất 2 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 1 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được xét tuyển dụng đặc cách không qua thi vào làm việc trong tổ chức KH&CN công lập và được hưởng hệ số lương 5,08 (tương đương bậc 3/8 ngạch chuyên viên chính); được ưu tiên cử tham gia các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành KH&CN tại các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; được ưu tiên cử đi thực tập, làm việc có thời hạn tại các tổ chức KH&CN ở nước ngoài...

Bài và ảnh: Minh Châu