|
|||
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các Bộ ban ngành, các quỹ đầu tư, các chuyên gia và tổ chức tài chính, các nhà hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Các đại biểu nhận định, Việt Nam muốn phát triển, không có cách nào khác là phải Đổi mới sáng tạo. Đổi mới là để tồn tại, để phát triển và để dẫn dắt Theo Th.S Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Phát triển Thị trường Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển, sáng tạo nhưng trước hết cần thay đổi trong tư duy. Cùng chung những nhận định như ông Trúc, ông Shimada Hitomi, chuyên gia sáng tạo của tổ chức sáng tạo Việt Nam – Nhật Bản chia sẻ suy nghĩ của mình: “Người Việt Nam các bạn nếu không ngừng tư duy, phát triển và sáng tạo thì các bạn thậm chí sẽ còn mạnh hơn Nhật Bản chúng tôi”. Trong phần thuyết trình của mình, ông Trúc cũng đã chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp sáng tạo. Bên cạnh những lợi thế về sự độc quyền về khách hàng; có được sự tín nhiệm của khách hàng; sản xuất nhỏ nhưng hàng chất lượng rất cao thì ông cũng nêu ra những khó khăn nhất định mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Câu hỏi “Làm thế nào để luôn giữ được sự độc đáo về công nghệ hoặc kỹ năng của mình? (để các doanh nghiệp công nghệ Việt khác không thể đuổi kịp) của ông chắc chắn sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh những doanh nghiệp hiện nay đang trì trệ trong việc sáng tạo hay thậm chí cho rằng đổi mới, sáng tạo là không cần thiết. Tìm kiếm được khách hàng cũng là vấn đề ông đưa ra trong bài nói của mình. Đồng thời, ông cũng gợi ý với các doanh nghiệp khi tiếp cận với khách hàng thì cần chú trọng về việc đảm bảo 3 yêu cầu. Thứ nhất là Chất lượng cao, Chi phí thấp, Giao hàng đúng hẹn, An toàn sử dụng, Gây ít tác động tới môi trường; thứ hai là Tạo được sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại và cuối cùng là Phát triển các doanh nhân công nghệ Việt Nam ở các vùng nông thôn: “Mỗi làng một nghề (One village one product - OVOP)”. Sau những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp tại Việt Nam phải đối mặt, TS Giáp Văn Dương cũng đã tiếp tục đưa ra câu trả lời chi tiết về việc nhiều doanh nghiệp muốn đổi mới và sáng tạo nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Ông nhận định rằng, chính từ việc Năng suất lao động quá thấp sẽ dẫn đến việc Đổi mới sáng tạo về công nghệ và quản trị ở mọi cấp bậc để tăng năng suất lao động. Bằng những minh chứng nổi bật mô hình về đổi mới sáng tạo trên thế giới, ông cho rằng Việt Nam hoàn toàn cần đến đổi mới sáng tạo để theo kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Không chỉ giới thiệu về vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, ông còn đưa ra 3 câu hỏi từ việc Đổi mới để làm gì? Đổi mới cái gì? cho đến việc Đổi mới thế nào? như một cách gợi mở rõ ràng hơn của vấn đề. Theo TS Dương, Đổi mới là để tồn tại, để phát triển và để dẫn dắt. Kết thúc bài thuyết trình của mình, ông nhấn mạnh “Đổi mới sáng tạo là một thực hành văn hóa và mỗi nước phải phát triển cách thức đổi mới sáng tạo phù hợp với văn hóa của mình!”. Giải phóng tiềm năng sáng tạo đổi mới tại Việt Nam Một chủ đề cũng rất được chờ đợi trong diễn đàn chính là phần tọa đàm của ông Lauri Laakso – cố vấn trưởng chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan về chủ đề “Giải phóng tiềm năng sáng tạo đổi mới tại Việt Nam”. Ông chia sẻ rằng đổi mới đóng vai trò quan trọng và cũng chính là một phần văn hóa của Phần Lan. Sự phát triển mạnh mẽ của việc đổi mới tại đất nước ông trong những năm 80 là bởi nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế, khi sự kết nối giữa kinh doanh và nghiên cứu trở nên yếu kém, họ không có trung gian để kết nối các nhà sáng tạo đổi mới, sự hoạt động kém hiệu quả của hệ thống đổi mới của quốc gia... tất cả những yếu tố đó đã góp phần đẩy Phần Lan không còn cách nào ngoài việc đổi mới để có được sự phát triển như ngày nay. Ông Lauri cho hay, sân chơi toàn cầu từ trước đến nay luôn không ngừng vận động và thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nghĩ đến việc chuyển đổi các chiến lược cũng như đổi mới mô hình của họ. (Từ trái qua phải: Ông Giáp Văn Dương, ông Hitomi, ông Quân Đỗ, ông Lauri, ông Nguyễn Văn Trúc chủ trì thảo luận tại Diễn đàn công nghiệp Đổi mới sáng tạo 2014 ) Song song với việc chuyển đổi chiến lược, ông cũng giới thiệu các mô hình được đổi mới, từ việc đóng cửa chuyển sang mở cửa đổi mới, đến phát triển tầm quan trọng của đổi mới dịch vụ, tăng cường sự nhận diện về vai trò của người sử dụng và khách hàng để đạt được những kết quả thành công từ đổi mới. Quá trình đổi mới phải được thực hiện trên mạng lưới toàn cầu. Và hơn ai hết, những người làm công tác đổi mới sáng tạo phải hiểu được rằng “Cả công nghệ và không-công nghệ đều là nguồn của sự đổi mới”. Theo nhận định của ông Lauri, đất nước Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước nhảy vọt đáng khích lệ bởi việc có những lợi thế rõ nét. “Thị trường nội địa lớn, thị trường ASEAN đang trên đà phát triển; Nền văn hóa kinh thương; Dân số trẻ tài năng và luôn có sự kết nối với quốc tế.”, ông nói. Chính những điều này sẽ mang lại cho đất nước hơn 90 triệu dân này sự phát triển bền vững và khả năng luôn bắt kịp xu hướng toàn cầu, cho dù xuất phát điểm có bị chậm hơn chút ít. Cuối cùng, vị cố vấn trưởng của chương trình Đổi mới sáng tại Việt Nam – Phần Lan nhấn mạnh rằng, chính những nhà lãnh đạo hãy trở thành những người tiên phong trong việc thực hiện đổi mới. Hãy đưa ra những ý tưởng, giải pháp để tiến hành đổi mới, công nhận công sức của các cá nhân tài năng cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với các hệ thống ý tưởng mới, thậm chí có phần “điên rồ” này. Chiến lược Đổi mới Sáng tạo theo cấu trúc kim tự tháp Ông Shimada Hitomi, chuyên gia sáng tạo đến từ Tổ chức sáng tạo Việt Nam – Nhật Bản đã đặt ra câu hỏi khiến cho nhiều người phải suy ngẫm rằng “Tại sao châm cứu của Việt Nam có thế mạnh như vậy lại không thể phát triển ra loại máy tính cấy ghép?”. Ông nói: “Việt Nam có lợi thế trên con đường bắt đầu, đó là về y học châm cứu, và chắc chắn rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, và cần phải làm ngay từ bây giờ để là quốc gia đi đầu trong thế hệ thứ 5 của máy tính, như tất cả 4 thế hệ trước kia (máy tính cỡ lớn hay điện thoại thông minh) Việt Nam đã rất khó khăn để cạnh tranh. Đây sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của sự phát triển phần mềm trong các chiều hướng, khía cạnh khác nhau, sự xuất hiện của nhân loại mới”. Không những là người đặt ra những câu hỏi về thực tế tại Việt Nam, vị chuyên gia người Nhật cũng có những sự đồng cảm về những trăn trở của những nhà hoạch định chính sách, những nhà đầu tư và cả các doanh nghiệp. Làm thế nào để xây dựng một Việt Nam sáng tạo? Làm thế nào để tạo nên sức mạnh sáng tạo, sức mạnh phát minh, và sức mạnh của việc thiết kế tốt? Ông cho hay, cách để làm cho sức mạnh sáng tạo, đổi mới, thiết kế tốt, là “chiến lược rèn luyện não bộ mỗi ngày một ý tưởng!”. Nếu bạn không thể thực hiện được một ý tưởng mới, bạn sẽ không được ăn tối hoặc sẽ phải trả tiền phạt! Nếu bạn có thể tiếp tục trong 100 ngày hoặc 3 năm, bộ não của bạn sẽ có được sức sáng tạo mạnh mẽ! Nếu 100 hoặc 1000 bạn học sinh sinh viên Việt Nam được rèn luyện đào tạo như thế này, Việt Nam có thể trở thành một đất nước sáng tạo đổi mới mạnh mẽ trong 3-5 năm tới. Chiến lược này là cấu trúc kim tự tháp vô cùng cần thiết trong việc thay đổi xã hội Việt Nam –ông Shimada Hitomi nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Minh Châu |