|
|||
Xin Thứ trưởng đánh giá về thực trạng cơ chế chính sách đối với hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ hiện nay của Việt Nam? Trong thời gian qua, hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ của Việt Nam được đánh giá chưa đạt nhiều hiệu quả, mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: Chợ công nghệ Techmart tại các vùng, nơi gặp gỡ của những nhà khoa học cung cấp công nghệ và những doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ; tổ chức nhiều hội nghị tại Trung ương và địa phương nhằm tạo cơ hội giúp các nhà cung cầu kết nối với nhau… Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng và trình Thủ tướng Đề án về thị trường công nghệ. Bộ đang tích cực triển khai và xây dựng một số văn bản hướng dẫn trong quá trình hình thành và phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tìm hướng đẩy mạnh thị trường khoa học và công nghệ, nơi kết nối giữa các nhà khoa học sản xuất ra các công nghệ với những doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, khi Đề án này được triển khai trên thực tế thì tốc độ cung và cầu sẽ mạnh hơn. Như vậy sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn đời sống hơn nữa. Thực tế cho thấy số lượng kết quả nghiên cứu khoa học còn quá nhiều so với số lượng đề tài được ứng dụng vào đời sống. Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp nào cho vấn đề này? Chính việc kết nối cung cầu công nghệ là mục tiêu và biện pháp để giải quyết vấn đề này. Khi chúng ta đã có thị trường công nghệ, có hoạt động kết nối cung cầu mạnh thì các kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao. Đặc biệt trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ được đặt hàng nghiên cứu những vấn đề đang được được cộng đồng và doanh nghiệp quan tâm. Từ đó các kết quả nghiên cứu này sẽ được đưa vào ứng dụng và chuyển giao ngay nhằm giải quyết bài toán của kinh tế và xã hội. Điều này sẽ đáp ứng cho việc đầu tư đúng chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang điều chỉnh các chính sách, văn bản quản lý khoa học và công nghệ hiện nay để phù hợp với hướng giải pháp trên. Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai nhiều dự án liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ, chẳng hạn như Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ- FIRST”; Chương trình đổi mới sáng tạoViệt Nam- Phần Lan (IPP)...Ông đánh giá về các dự án mới này như thế nào? Đúng là hiện nay đang có nhiều dự án hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Điển hình như Dự án FIRST với chủ trương đầu tư đến các nhà khoa học, hoặc những tổ chức khoa học có ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng hiệu quả. Từ những dự án này đã, đang và sẽ hình thành được những tổ chức khoa học và công nghệ mạnh, ngang tầm các nước trong khu vực và quốc tế, minh bạch đổi mới sáng tạo để đưa ra được nhiều công nghệ mới, công nghệ hiện đại phù hợp với Việt Nam, phát huy được nguồn năng lực của Việt Nam. Ngoài ra Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai dự án phát triển tài sản trí tuệ nhằm đẩy mạnh việc đưa các sáng chế, đưa các kết quả nghiên cứu từ thế giới, và Việt Nam vào ứng dụng trong nền kinh tế-xã hội, là cơ sở tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh. Từ đó nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ra đời và có hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư cho KH&CN doanh nghiệp sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Theo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi và có hiệu hiệu lực năm 2014, đã quy định các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải trích một phần lợi nhuận cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Điều này giúp gì cho hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ? Theo Luật Khoa học và Công nghệ quy định: Các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải trích một phần lợi nhuận để đầu tư vào phát triển khoa học và công nghệ. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì khuyến khích việc trích nguồn kinh phí đó để đầu tư phát triển. Chúng ta đều biết, doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa học và công nghệ thì công nghệ mới được đổi mới, từ đó đưa ra được sản phẩm có năng suất, có chất lượng, có khả năng cạnh tranh. Do vậy, với doanh nghiệp nhà nước việc bắt buộc trích tỷ lệ lợi nhuận cho hoạt động phát triển khoa học công nghệ là hợp lý. Tỷ lệ trích bắt buộc là bao nhiêu thì còn xem các văn bản, nghị định hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, các quy định Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng. Ví dụ: Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho Khoa học và Công nghệ. Nghị định này đang được trình Chính phủ để xem xét thông qua. Khi có những quy định như vậy, chắc chắn việc huy động kinh phí từ xã hội cho hoạt động phát triển khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp sẽ tăng lên. Từ đó sẽ giải quyết được bài toán về kinh phí khi không chỉ có Nhà nước đầu tư cho Khoa học và Công nghệ mà cả xã hội cũng đầu tư. Chúng tôi muốn cố gắng phấn đấu để làm sao tiền của Nhà nước bỏ ra chỉ khoảng 1/3, còn 2/3 là từ các lực lượng xã hội. Có như vậy, Khoa học và Công nghệ của Việt Nam mới có điều kiện phát triển được. Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! |