|
|||
Tạo ra hàng hóa có hàm lượng KH&CN cao PGS.TS. Lê Danh Vĩnh cho rằng, phát triển bền vững là một xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội, là một lựa chọn mang tính chiến lược và là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia trên thế giới. Xét một cách chung nhất, phát triển vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tròng tương lai. Đó là sự đảm bảo về chất của sự phát triển, sự hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa đáp ứng các yêu cầu hiện tại và yêu cầu trong tương lai. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của nên kinh tế đòi hỏi sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực, trong đó thương mại nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng là một trong những lĩnh vực quan trọng tạo nên sự bền vững đó. Phát triển xuất nhập khẩu bền vững có vai trò to lớn đối với các nước, đặc biệt là các nước đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam. Trên thực tế những năm qua, phát triển xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế, công nghệ của nước ta còn thấp, phát triển xuất nhập khẩu trong thời gian qua đã tạo lợi nhuận để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải quyết sự thiếu hụt về nguyên liệu, máy móc thiết bị. Nhập khẩu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện trình độ công nghệ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa và dịch vụ đa dạng phong phú với nhiều lựa chọn tốt hơn và giá rẻ hơn. Tuy nhiên, TS. Hồ Trung Thanh, thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố sẵn có về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu số lượng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả của xuất khẩu. Chúng ta chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo các nhóm hàng hóa xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có nhiều hàm lượng KH&CN, có khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của môi trường kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường,… Xuất phát từ thực tế đó, nhóm các nhà khoa học đã triển khai nghiên cứu đề tài “Luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách xuất nhập khẩu bền vững của Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020”. Cần đổi mới nhận thức và tư duy của toàn xã hội Qua 2 năm nghiên cứu, đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Theo đó, đề tài đã tiến hành nghiên cứu làm sáng tỏ lý luận về xuất nhập khẩu bền vững, chính sách xuất nhập khẩu bền vững, góp phần bổ sung phát triển lý luận về phát triển bền vững. Thông qua các hoạt động nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn nhận thức về xuất nhập khẩu bền vững và chính sách xuất nhập khẩu bền vững. Nhóm tác giả đề tài đã đưa ra các khái niệm và nội dung về xuất nhập khẩu bền vững và chính sách xuất nhập khẩu bền vững, đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xuất nhập khẩu bền vững, xác định các yếu tố tác động tới xuất nhập khẩu bền vững làm cơ sở cho việc thiết kế và thực thi các chính sách xuất nhập khẩu bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm đề tài cũng đã tiến hành nghiên cứu, lựa chọn giới thiệu kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách xuất nhập khẩu bền vững của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan,…qua đó rút ra bài học kinh nghiệm có ý nghĩa tham khảo tốt cho Việt Nam. Qua phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong những năm qua, sự phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước, củng cố vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, làm lành mạnh cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại tệ, giám áp lực đối với nợ nước ngoài, khuyến khích tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Tuy thế, cũng không thể phủ nhận sự phát triển của lĩnh vực xuất nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua còn tồn tại một số mặt yếu kém, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội,… Theo PGS.TS. Đinh Văn Thành thì nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng và thực thi chính sách xuất nhập khẩu trong thời gian qua là tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và trình độ phát triển còn thấp của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng ông Thành cũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do nhận thức và tư duy của các nhà làm chính sách và toàn xã hội đối với phát triển bền vững còn hạn chế. Do đó, để xuất nhập khẩu bền vững trong thời gian tới thì cần hoàn thiện chính sách thương mại, chính sách xuất nhập khẩu phải nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020,… Nhưng giải pháp trước hết và quan trọng nhất mà các nhà khoa học đưa ra là đổi mới nhận thức và tư duy của các nhà quản lý và toàn xã hội về phát triển bền vững, từ đó dẫn đến hành vi, hành động có trách nhiệm của những đối tượng này nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của phát triển bền vững trong thực tiễn. Giải pháp quan trọng thứ 2 mà đề tài đề xuất là cần tiến hành ngay cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; thực hiện hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH. Các giải pháp chính sách khác nhóm nghiên cứu đưa là xây dựng và tăng cường năng lực hội nhập quốc tế và dự báo thị trường, hoàn thiện các chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá,… Theo đánh giá của hội đồng khoa học nghiệm thu, đề tài đã góp phần phát triển lý thuyết phát triển bền vững, ứng dụng vào hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, hình thành khung lý thuyết cho việc tiến hành phân tích đánh giá xuất nhập khẩu bền vững, chính sách xuất nhập khẩu. Đề tài xác lập cơ sở thực tiễn và đề xuất các giải pháp có căn cứ khoa học và tính khả thi cho việc hoàn thiện chính sách xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2011 – 2020. Bài, ảnh: Gia Anh |