Theo TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Tổng Giám đốc Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI - Industrial Machinery and Instruments) cho biết, từ năm 2002, Chính phủ đã cho phép Viện IMI chuyển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH – CN) thí điểm hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong hơn 7 năm qua. Viện đã xây dựng, phát triển ngành cơ điện tử, tạo ra những thiết bị thông minh, có "tư duy và khả năng giao tiếp" với con người, mang lại giá trị gia tăng lớn.
- Thưa ông, sau hơn 7 năm chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH - CN), đến nay IMI đã có một diện mạo mới. Ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật?
- TS. Nguyễn Đức Minh: Nhiều sản phẩm do IMI nghiên cứu, chế tạo đã được ứng dụng có hiệu quả cho nhiều ngành kinh tế trên phạm vi cả nước, tiết kiệm ngoại tệ do thay thế hàng nhập khẩu. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu. IMI đã và đang ứng dụng công nghệ quang - cơ điện tử nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ ngành chế biến nông sản, an ninh quốc phòng, y tế. Chúng tôi đã đề xuất với Bộ KH - CN đề cương nghiên cứu phát triển cơ điện tử trong y tế trên nền kỹ thuật quang - cơ điện tử.
Năm 2008 và 2009, nền kinh tế suy giảm nhưng Viện vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định: tổng doanh thu năm 2008 đạt 910 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ năm 2007. Năm 2009, mức tăng trưởng tuy thấp hơn những năm trước, nhưng vẫn đạt mức 5,32%.
- Mặc dù đã có những thành tựu nổi bật, đáng chú ý nhưng IMI có gặp những khó khăn gì đã gặp trong quá trình vận hành hoạt động theo mô hình DN KH - CN?
- Do công ty mẹ là DN KH – CN 100% vốn Nhà nước nên IMI không có cơ chế huy động vốn xã hội cho các dự án đầu tư và phát triển KH - CN. Vì vậy, tỷ lệ vốn Nhà nước của IMI trong các đơn vị thành viên rất thấp, chủ yếu từ chuyển giao công nghệ và thương hiệu IMI. Mặc dù các công ty thành viên có lợi nhuận rất cao, lên tới 65%/năm, nhưng phần lợi nhuận của IMI không lớn, không tương xứng với vai trò của Viện. Trong khi đó, những tài sản có giá trị lớn đều nằm trong các phòng thí nghiệm. Tài sản này không thể đem trực tiếp sản xuất kinh doanh, mà chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, điều này làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên vốn của Viện.
- Trước những khó khăn như ông vừa nêu, IMI có bí quyết gì để đơn vị của mình đạt được những thành tựu như ngày hôm nay?
- Ngay từ đầu, chúng tôi xác định nghiên cứu KH - CN phải gắn với nhu cầu của thị trường. Đây là nhân tố quan trọng nhất để xây dựng, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH - CN theo mô hình "từ thị trường đến thị trường". Bên cạnh đó, IMI đưa ra cơ chế để nhà khoa học hưởng đến 70% thành quả lao động khi chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tạo động lực cho nghiên cứu khoa học phát triển, đồng thời, linh hoạt trong việc hỗ trợ các nhà khoa học góp vốn cổ phần tại các công ty thành viên. Đến nay, 100% cán bộ của IMI là cổ đông tại các công ty thành viên.
Chúng tôi tạo các hình thức góp vốn phong phú như góp vốn bằng li-xăng, bí quyết công nghệ, giá trị thương hiệu, tài sản, tiền. Phương thức góp vốn linh hoạt này giúp IMI dù có vốn góp nhỏ nhưng vẫn chi phối được các công ty thành viên trong mọi hoạt động, nhất là KH - CN.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh thực hiện
|