Giai đoạn trước đổi mới (1986)
Ngày 4.3.1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập với nhiệm vụ: “giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt, nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” (Sắc lệnh số 16-SL Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 105-TTg ngày 11.3.1959 về việc kịp thời tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng; các chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch khoa học - kỹ thuật cho các năm 1959-1960 và kế hoạch khoa học - kỹ thuật 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Từ năm 1960 đến năm 1980, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã soạn thảo trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quản lý hoạt động KHCN như: hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến nghiệp vụ công tác (Nghị định số 20-CP ngày 4.5.1965); các điều lệ tạm thời về nghiên cứu, xây dựng, xét duyệt và quản lý các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp và quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong công nghiệp (Nghị định 123-CP và Nghị định 124-CP ngày 24.8.1963), điều lệ về kiểm tra chất lượng sản phẩm ở các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh (Nghị định 26-CP ngày 21.2.1974); quản lý công tác thông tin khoa học; công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên (Chỉ thị số 127-CP ngày 23.5.1974 của HĐCP); các chế độ cấp phát tài chính; tổ chức đánh giá, nghiệm thu các công trình KHCN; tổ chức các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
Từ năm 1981, hoạt động KHCN được đẩy mạnh và mở rộng với nhiều hình thức phong phú đa dạng; cơ chế quản lý KHCN cũng từng bước được cải tiến và hoàn thiện kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 20.4.1981 về chính sách khoa học và kỹ thuật. Một số chính sách khuyến khích hoạt động KHCN đã được thể chế hóa, đơn cử như Quyết định số 175-CP ngày 29.4.1981 về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, các quy định về chế độ kiêm nhiệm của cán bộ khoa học; chế độ quản lý vật tư, thiết bị KH… Các chính sách này ra đời với mục tiêu áp dụng thành tựu của KHCN vào sản xuất và đời sống; mở rộng liên kết chặt chẽ, gắn bó giữa khoa học, đào tạo với sản xuất; nâng cao quyền tự chủ trong hoạt động khoa học của các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật; đồng thời, khuyến khích cán bộ khoa học hướng về cơ sở, tích cực nghiên cứu để giải quyết những khó khăn về kỹ thuật sản xuất.
Một trong những văn bản quan trọng trong thời kỳ này là Nghị quyết 51/HĐBT ngày 17.5.1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác khoa học và kỹ thuật năm 1983 và những năm tiếp theo. Nghị quyết với những nội dung quan trọng đã thừa nhận, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, các tổ chức KHCN còn có quyền làm dịch vụ, sản xuất các sản phẩm nghiên cứu. Về tài chính, văn bản này cũng khẳng định, các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật được thành lập các quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật, quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng. Nguồn trích lập các quỹ này lấy từ thu nhập do ký hợp đồng kinh tế với các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong việc nghiên cứu ứng dụng, triển khai và áp dụng kỹ thuật mới; một phần giá trị của các sản phẩm sản xuất thử, phế liệu, phế phẩm thu hồi. Đồng nghĩa với việc thừa nhận tổ chức KHCN là một đơn vị sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc biệt, sản phẩm khoa học có thị trường trao đổi mua bán.
Có thể nói, trong thập niên 80, với những chuyển đổi quan trọng của cơ chế quản lý kinh tế và đổi mới KHCN, chính sách KHCN trong giai đoạn này đã có bước phát triển mới, tuy nhiên, mới chủ yếu tập trung vào khoa học - kỹ thuật dưới hình thức văn bản điều hành của Chính phủ và đối tượng áp dụng chính là thành phần kinh tế nhà nước.
Giai đoạn đổi mới (từ 1986 đến nay)
Trong giai đoạn này, đổi mới cơ chế quản lý KHCN được triển khai tích cực, hoạt động KHCN đã chuyển dần sang phục vụ phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Công tác xây dựng chính sách pháp luật về KHCN cũng có nhiều bước đổi mới, chất lượng văn bản và hiệu lực pháp lý được nâng cao hơn, từng bước đồng bộ với hệ thống pháp luật kinh tế, đặc biệt những văn bản pháp luật khuyến khích công dân Việt Nam (bao gồm cả những người Việt Nam ở nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.
Công tác xây dựng chính sách KHCN cũng ngày càng hoàn thiện, tập trung vào nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi những quy định còn hạn chế; soạn thảo văn bản mới để thay thế các văn bản đã lạc hậu. Năm 2000, Luật KHCN được Quốc hội thông qua đã thừa nhận quyền bình đẳng của mọi công dân trong hoạt động KHCN. Nét mới cơ bản này của Luật đã góp phần giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo và là tiền đề thực hiện xã hội hóa hoạt động KHCN. Theo đó, mọi tổ chức KHCN, không phân biệt thành phần kinh tế và cấp ra quyết định thành lập, đều có quyền bình đẳng khi thực hiện nhiệm vụ KHCN thông qua cơ chế đăng ký và tuyển chọn. Điểm mới này đã được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá cao và tích cực hưởng ứng, bước đầu tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát huy được tiềm năng sáng tạo trong hoạt động KHCN. Lần đầu tiên trong nhiều năm, định hướng nghiên cứu và quy trình xét chọn nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quản lý nhà nước về KHCN đã có những đổi mới căn bản theo hướng áp dụng nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ, khách quan trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về “Phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, Quốc hội đã ban hành Luật KHCN 2013 thay thế Luật KHCN năm 2000. Với nhiều nội dung mới, Luật KHCN 2013 đã làm rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức KHCN, sắp xếp lại mạng lưới tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đầu tư phát triển KHCN.
Xác định những vướng mắc trong cơ chế tài chính là rào cản lớn nhất của hoạt động KHCN, Luật đưa ra những quy định mới theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KHCN. Từ đó làm nổi bật vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động KHCN với những ưu đãi về thuế và tín dụng.
Một trong những điểm đột phá của văn bản này là chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ KHCN, theo đó, cá nhân hoạt động KHCN có thành tích càng cao càng được nhiều ưu đãi, không phụ thuộc vào số năm công tác. Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN, các bộ, ngành, địa phương trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về KHCN. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường KHCN cũng là nội dung quan trọng được ghi nhận trong văn bản này.
Cùng với Luật KHCN 2013, các văn bản luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật 2006, Luật Chuyển giao công nghệ 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Năng lượng nguyên tử 2008, Luật Công nghệ cao 2008 cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KHCN. Đây chính là cơ sở để KHCN vươn ra thị trường quốc tế, nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; đồng thời khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN; tiếp thu, làm chủ công nghệ ngoại nhập phục vụ sản xuất và đời sống, để KHCN thực sự là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn Thị Mai Phương
Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học và Công nghệ
|