Bản in
Khoa học phục vụ nông nghiệp: Phải gắn với nông dân
Trong khó khăn nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển. Đó là điều vô cùng đặc biệt. Vì vậy, cần nghiên cứu quy luật phát triển kinh tế xem tại sao trong lúc khó khăn, nông nghiệp vẫn vươn lên. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Khoa học tổ chức trong nông nghiệp chưa...chuẩn
 
PV: Thưa bà, ngành nông nghiệp nước ta dù xuất khẩu nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị thấp. Vậy, vai trò của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào lĩnh vực này ra sao?

ĐBQH Bùi Thị An: Thứ nhất, khoa học tổ chức trong nông nghiệp chưa chuẩn. Phải xem trong thực tiễn của Việt Nam, mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng nào? chọn mô hình nào? bắt đầu từ đâu? chọn sản phẩm nào để cạnh tranh được với thế giới và khu vực. Hay như vấn đề thị trường tiêu thụ nông sản, lựa chọn sản phẩm nào để xuất khẩu. Thứ hai là, khoa học quản lý nông nghiệp. Việt Nam khác với khoa học quản lý nông nghiệp các nước khác ở điểm đa dạng địa hình; cho nên khoa học quản lý của ta phải khác. Từ thực tế đó, chúng ta phải chọn mô hình để phát triển sao cho bền vững, năng suất cao, nhưng sản phẩm phải có sức cạnh tranh. 

Nông nghiệp của ta thời gian qua chủ yếu mới chỉ xuất thô là bởi khoa học sau thu hoạch và công nghệ chọn giống còn có vấn đề.

Thứ ba là vấn đề sau thu hoạch của ta còn lãng phí rất nhiều, mất tới mấy phần trăm. Nếu chúng ta tiết kiệm được ở khâu này sẽ làm lợi cho nông dân. Ví dụ như Thái Lan họ xuất sản phẩm tinh nên giá thành rất cao. Giá một cân lúa khô khác hẳn với giá một cân lúa thành gạo. Điều đó cho thấy ứng dụng khoa học vào chế biến hiện vẫn chưa chuẩn, chưa phù hợp. Vì thế, nông dân và người tiêu dùng Việt Nam phải chịu thiệt. 

Bà nhận định thế nào về hàm lượng chất xám trong các công trình khoa học ứng dụng ở lĩnh vực nông nghiệp? 

- Phải nói rất thật là hàm lượng chất xám của các nghiên cứu chưa được cao và chưa giữ được tính bền vững. Do vậy, chất xám phải được nâng lên, lúc đó sẽ giữ được thương hiệu, từ đó mới có tính bền vững.

Vừa qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân có nói một bao gạo có đến 5-7 loại giống nên không thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam. Điều đó nói lên điều gì thưa bà?

- Chúng ta nghiên cứu nhiều, nhưng ứng dụng chưa được nhiều lắm. Tới đây phải xem xét lại, rà soát lại toàn bộ thực trạng. Vì sao một bao gạo có mấy giống thì lỗi không phải của nông dân mà là những người trung gian đứng ra thu mua. Họ mua xong rồi lại trộn chúng với nhau điều đó làm mất thương hiệu gạo Việt Nam làm hạ giá thành, giá trị hạt gạo. Đó chính là lỗi của khoa học tổ chức. Bởi lẽ, ngoài việc đầu tư cho nghiên cứu kỹ mô hình phát triển, lựa chọn mô hình nông nghiệp Việt Nam thế nào cho bền vững thì giới khoa học phải góp phần giúp người nông dân bán được sản phẩm với giá cao nhất, người tiêu dùng mua được với giá vừa phải. 

Nghiên cứu khoa học phải được thị trường chấp nhận

Chúng ta có hàng trăm nhà nghiên cứu với nhiều công trình nghiên cứu cho nông nghiệp. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nghiên cứu chỉ "cất trong ngăn kéo”. Tại sao vậy?

- Trong nghiên cứu khoa học, từ lý thuyết đến thực tiễn còn rất xa, phải qua trung gian. Cho nên, tôi cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng những đề tài khoa học từ A đến Z, tức là qua nghiên cứu, thí nghiệm thử, rồi đến sản xuất. Một đề tài nghiên cứu không những ứng dụng được vào thực tiễn mà được thị trường chấp nhận. Khi nông dân hay doanh nghiệp mua thì đề tài đó mới có giá trị. Tức là nghiên cứu phải ứng dụng vào thị trường và được thị trường chấp nhận. Chỉ có như thế thì khoa học công nghệ mới phát triển được; chứ hiện nhiều đề tài chỉ kết thúc nửa vời sẽ rất lãng phí.

Bà nghĩ sao về việc nhiều người nông dân không được đào tạo chuyên sâu về khoa học nhưng lại có những sáng kiến vô cùng quan trọng, giúp ích cho sản xuất. Đó là điều mà nhiều nhà nghiên cứu khoa học không làm được?

- Đó là sự sáng tạo vô cùng tuyệt vời của nông dân Việt Nam. Từ thực tiễn, họ "đẻ” ra rất nhiều sáng kiến. Điều đó nói lên một chân lý, khoa học đều phải xuất phát từ thực tiễn, cung đi đôi với cầu. Dù là nông dân nhưng họ rất cần cù sáng tạo. Trong trường hợp đó các cấp chính quyền nên hỗ trợ, tạo điều kiện để họ tiếp tục có các sáng kiến tiếp theo gỡ khó cho nông nghiệp Việt Nam. 

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông nghiệp yếu thì trụ đỡ lung lay. Vậy khoa học công nghệ phải có giải pháp nào để trợ giúp cho nông nghiệp?

- Tôi ủng hộ phải đầu tư cho nông nghiệp nhiều, bởi 70% dân số Việt Nam là nông dân. 70% dân số này giàu có, no đủ thì đất nước ta sẽ phát triển. Cho nên chúng ta phải đầu tư cho họ; nhưng đầu tư vào khâu nào thì nên giao cho ngành nông nghiệp đứng ra nghiên cứu. Thấy mạnh ở khâu nào, thì kiến nghị Nhà nước để đầu tư tránh dàn trải. Trong khó khăn nông nghiệp Việt Nam vẫn sống, vẫn phát triển. Đó là điều vô cùng đặc biệt. Vì vậy, khoa học xã hội phải đi trước một bước, tức là phải nghiên cứu quy luật phát triển kinh tế xem tại sao trong lúc khó khăn như vậy, nông nghiệp vẫn vươn lên phát triển được. Từ đó, nếu chúng ta rút kinh nghiệm và tổ chức tốt thì nông nghiệp sẽ phát triển hơn nữa. Hãy tạo điều kiện cho nông dân tự đầu tư bằng cách tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng nên nghiên cứu làm sao trần lãi suất cho vay không bị tăng theo hàng năm để người dân yên tâm sản xuất. Đó là chuyện rất quan trọng. 

Trân trọng cám ơn bà!