|
|||
Lợi cả "ba nhà" Đặt hàng nhiệm vụ KHCN không phải là vấn đề mới mà đã được Bộ KHCN đưa ra từ năm 2011 nhưng vì thiếu cơ sở pháp lý nên việc thực hiện hoạt động này chưa thực sự hiệu quả. Luật KHCN 2013 với việc xác định rõ cơ chế đặt hàng và trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành, tổ chức khi đặt ra nhiệm vụ KHCN cũng như trách nhiệm của nhà khoa học khi nhận đặt hàng sẽ góp phần giải quyết không ít vướng mắc hiện nay. Theo cơ chế này, bên đặt hàng phải bảo đảm mọi cam kết của mình với bên nhận đặt hàng như cung cấp phương tiện, kinh phí đầy đủ kịp thời để bên nhận đặt hàng thực hiện. Bên nhận đặt hàng phải bàn giao kết quả đúng quy định. Nếu đáp ứng được những yêu cầu này thì các tổ chức nghiên cứu KHCN mới tồn tại, phát triển và ngược lại nếu không đáp ứng sẽ bị đào thải. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những quy định mới này sẽ mang tới lợi ích cho cả nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý. Cơ chế đặt hàng sẽ giảm thiểu tình trạng đề tài nghiên cứu cất ngăn kéo, giúp các nhà khoa học tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Thực tế cho thấy, kinh phí đầu tư cho công tác nghiên cứu KHCN ngày càng gia tăng, khối lượng nghiên cứu khổng lồ nhưng đề tài có thể ứng dụng được trong sản xuất và đời sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói cách khác hiệu quả thu được chưa xứng với đồng tiền Nhà nước bỏ ra đầu tư cho KHCN. Theo thống kê của Bộ KH-CN, chỉ riêng công tác nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp, tổng kinh phí giai đoạn 2008 - 2013 là hơn 12.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% đề tài nghiên cứu thực sự hiệu quả. Nguyên nhân một phần do các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc chọn lựa đề tài nghiên cứu, các đề tài thường cũ, lạc hậu không có tính đột phá, thiếu ứng dụng. Do vậy, thay vì cấp kinh phí trực tiếp, đặt hàng nghiên cứu KHCN được xem là giải pháp tối ưu không chỉ giải quyết khâu tìm đề tài phù hợp cho các nhà khoa học mà còn bảo đảm kinh phí đầu tư có hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, giảm thiểu lãng phí. Một số ý kiến cho rằng, đề tài nghiên cứu thiếu tính ứng dụng còn xuất phát từ thực tế tồn tại nhiều năm nay là thị trường KHCN trọng cung nhiều hơn trọng cầu hay thiếu kết nối giữa nhà khoa học với doanh nghiệp. Các nhà khoa học không biết doanh nghiệp cần gì và các tổ chức, doanh nghiệp cũng không rõ các nhà khoa học có thể làm được gì. Chính vì vậy mà theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có tính thực tiễn cao nhưng không thể có địa chỉ để chuyển giao. Trong khi, các doanh nghiệp cần sản phẩm lại phải đi tìm kiếm, thậm chí mua sản phẩm của nước ngoài với giá đắt. Từ đó, gây lãng phí cả tiền bạc, thời gian và chất xám của nguồn lực trong nước. Rõ ràng, chỉ khi doanh nghiệp đưa ra nhu cầu, nhà quản lý làm cầu nối, nhà khoa học đáp ứng thì kết quả nghiên cứu mới bám sát thực tế và đi vào cuộc sống. Điều đó nói lên một thực tế, đối với các nghiên cứu đặt hàng có sản phẩm, địa chỉ ứng dụng rõ ràng thì nhiệm vụ nghiên cứu đó sẽ đạt được thành công. Để cơ chế đặt hàng hiệu quả Nâng tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học thông qua cơ chế mới giúp giảm thiểu những vướng mắc phát sinh trên thực tế mà các nhà khoa học đang phải đối mặt. Tuy nhiên, để cơ chế này đạt hiệu quả cao, việc đặt hàng chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao, khả năng thành công lớn đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của xã hội và phù hợp với từng địa phương. Đơn cử như triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, lựa chọn giống mới hay công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Bởi có những lĩnh vực rất khó đặt hàng như nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn. Một số ý kiến cho rằng, nếu đặt hàng nghiên cứu lĩnh vực khó thì rất ít nhà khoa học dám nhận nhiệm vụ này. Chính vì vậy, theo Dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, các bộ, ngành và địa phương cần tự xây dựng đặt hàng trong nhiệm vụ KHCN cấp mình trên cơ sở có ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học (có thể là ý kiến chuyên gia độc lập, nhóm chuyên gia hoặc hội đồng tư vấn). Mục tiêu cơ bản của việc đưa ra quy định này là nhằm nâng cao chất lượng của các đề xuất đặt hàng từ bộ, ngành và địa phương tránh tình trạng trung chuyển đề xuất nhiệm vụ KHCN của cá nhân và tổ chức, cơ quan như một vài năm trở lại đây. Khó khăn đặt ra cho các nhà quản lý là hiện doanh nghiệp thường ít quan tâm tới đặt hàng nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp thường đặt ra tiêu chí, giá thành, chất lượng và hiệu quả trong khi đó việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài thường rẻ hơn, nhanh hơn đặt hàng nghiên cứu công nghệ trong nước. Hơn nữa, cũng rất khó thay đổi được tâm lý lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài của các doanh nghiệp hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng mua công nghệ trong nước. Cùng với đó, theo PGs Ts Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, chính sách kích cầu bằng đầu tư công cho khoa học cũng không thể thiếu. Nếu không tập trung giải quyết tốt các vấn đề này thì các nghiên cứu cất ngăn kéo sẽ tồn tại. Đặt hàng nhiệm vụ KHCN chỉ thành công nếu các nhà khoa học có tinh thần trách nhiệm trong việc bàn giao kết quả nghiên cứu, giao nộp sản phẩm theo đúng quy định. Song, đặt hàng nghiên cứu không đồng nghĩa với việc nhà khoa học chỉ ngồi chờ khi nào có đơn đặt hàng mới tiến hành. Như vậy, chẳng khác nào triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Điều đó đòi hỏi các nhà khoa học phải nhanh nhạy hơn trong tìm kiếm đề tài để phát huy hơn nữa nội lực KHCN trong nước. |