|
|||
Thưa Ông, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) có những điều khoản giao Chính phủ quy định. Vậy triển khai thực hiện luật vào cuộc sống, công tác giám sát ban hành văn bản sẽ tập trung những nội dung hướng dẫn thi hành luật ? UVTT Phùng Đức Tiến: Nội dung giám sát sẽ tập trung vào việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung đổi mới quan trọng của Luật Khoa học và công nghệ. Trong đó, trọng tâm là những vấn đề về cơ chế tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, vấn đề tổ chức và nhân lực khoa học và công nghệ, vấn đề cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ. Về cơ chế tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được thể hiện tại Nghị định mới số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ. Nghị định đã dành riêng một Chương III để cụ thể hóa nội dung của Luật và tạo cơ chế hoàn thiện cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Chương III của Nghị định đã hướng dẫn tiêu chí xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước các cấp; biện pháp khuyến khích đề xuất ý tưởng khoa học nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ; tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập; hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên kết. Về tổ chức khoa học và công nghệ cũng nằm trong nội dung hướng dẫn của Nghị định số 08/2014/NĐ-CP. Chương II của Nghị định đã đề cập chi tiết đến các vấn đề liên quan đến việc thành lập, đăng ký hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ; đánh giá độc lập tổ chức khoa học và công nghệ. -Vấn đề nhân lực và cơ chế tài chính có điểm bổ sung mới, quan trọng trong Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Vấn đề này đã được hướng dẫn thi hành, thưa Ông? -Vấn đề nhân lực khoa học và công nghệ và cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ đang được tập trung hướng dẫn trong 2 Nghị định do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo là Nghị định quy định về việc sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ và Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ. Dự thảo các Nghị định này đều đã được trình Chính phủ và đang chờ ký ban hành. Ngoài ra, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ quy định về thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo đang trong giai đoạn hoàn thiện; Nghị định số 11/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/02/2014. -Ông vừa đề cập đến Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ban hành ngày 27/1/2014. Vậy, thưa ông Nghị định này đã kịp thời cụ thể hóa và thống nhất với nội dung của Luật ? - Nghị định số 08/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 27/1/2014 đã cụ thể hóa những nội dung Luật khoa học và công nghệ giao Chính phủ hướng dẫn, bao gồm: điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ; văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài; nhiệm vụ khoa học và công nghệ; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; ứng dụng khoa học và công nghệ trong dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những nội dung Luật giao Chính phủ hướng dẫn, nhằm phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nghị định đã hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đánh giá độc lập tổ chức khoa học và công nghệ; trình tự, thủ tục xác định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập; kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước; phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Theo tôi, các quy định trong Nghị định về cơ bản đã kịp thời cụ thể hóa và thống nhất với nội dung của Luật. -Xin trở lại vấn đề quỹ phát triển khoa học công nghệ là một trong những điểm sửa đổi bổ sung mới của luật. Những năm trước, không ít doanh nghiệp cho rằng thiếu quy định hướng dẫn để hình thành và sử dụng quỹ có hiệu quả. Tình trạng này sẽ được giải quyết trong các văn bản hướng dẫn tới đây, thưa Ông ? Doanh nghiệp ở nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, do vậy, trích lập quỹ Khoa học Công nghệ còn hạn chế. Mặt khác, trước đây nhiều doanh nghiệp trích lập quỹ Khoa học công nghệ nhưng cơ chế chi tiêu còn nhiều thủ tục phức tạp. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 tại khoản 3 điều 62 đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích. Luật đã tạo cơ chế thông thoáng cho việc hình thành và hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ nói chung và quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nói riêng. Để hướng dẫn nội dung này của Luật, dự thảo Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ đã quy định khá chi tiết về các vấn đề liên quan đến trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; nội dung chi của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực, chúng ta sẽ có cơ chế khá đầy đủ để thực thi quy định của Luật về hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Xin cảm ơn Ông! |