Bản in
KHCN là động lực, điều kiện để DN năng cao năng lực cạnh tranh
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi triển khai thi hành Luật KHCN, GIÁM ĐỐC (GĐ) CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG TRUNG ƯƠNG (VINASEED) TRẦN KIM LIÊN cho rằng, Luật KHCN liên quan nhiều lĩnh vực như chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, chuyển nhượng tài sản sở hữu trí tuệ… Trong đó, các quy định về tài chính khi sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường là khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp...

Đưa KHCN vào nông nghiệp chính là góp phần nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Vậy, với vai trò là doanh nghiệp cung cấp giống cây trồng, bà có thể cho biết, đơn vị mình đã chú trọng đến vấn đề KHCN như thế nào? 

GĐ Trần Kim Liên: Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương (VINASEED) xác định KHCN là đòn bảy cho hoạt động kinh doanh của công ty. Chính vì vậy, ngay từ năm 2008, VINASEED đã tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu KHCN và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Về kết quả đạt được từ thực tiễn hoạt động, công ty đã nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao thành công các giống cây lương thực có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, chống chịu sâu bệnh tốt, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và tiêu chuẩn các nước trong khu vực quốc tế. Với kết quả ban đầu thu được, Công ty đã và đang sở hữu 30 giống các loại, đưa sản lượng kinh doanh giống mới có hàm lượng KHCN cao của công ty chiếm gần 50% tổng sản lượng kinh doanh. Đây là những sản phẩm mới có hàm lượng KHCN do công ty nghiên cứu, thay thế dần các dòng sản phẩm phổ thông đang chiếm phần lớn trên thị trường đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân và doanh nghiệp. 

-  Bà vừa đề cập KHCN là đòn bảy cho hoạt động kinh doanh. Vậy doanh nghiệp sẽ đầu tư đổi mới KHCN cho sản xuất như thế nào ?

GĐ Trần Kim Liên: Chúng tôi xác định, KH và CN là phương tiện, là động lực để phát triển xã hội, là điều kiện để doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và khai thác lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, đầu tư cho KHCN là đầu tư cho phát triển bền vững nên dù khó khăn vẫn phải tập trung đầu tư cho KHCN, chỉ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ KHCN mới tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đồng thời mới tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ để tăng thu nhập giúp cho quá trình tái cấu trúc nên kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. 

- Thưa bà, bà có thể cho biết cụ thể hơn về những đầu tư của công ty cho KHCN ?

GĐ Trần Kim Liên: Trong 5 năm qua, bằng nguồn vốn tự có, công ty đã tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Cụ thể, chúng tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản nguồn gen và trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giống cây trồng Ba Vì. Đây là hệ thống bảo quản tốt nhất ở nước ta hiện nay, có thể bảo quản nguồn gốc giống và gene trong 10 vụ mà không ảnh hưởng đến chất lượng, với công suất trên 1.000 tấn; xây dựng nhà máy chế biến giống tại chi nhánh Thái Bình với tổng vốn đầu tư 14,2 tỷ đồng, công suất phục vụ sấy, chế biến công suất 5.000 tấn/ năm; đầu tư nâng cấp trại thực nhiệm giống cây trồng tại Khoái Châu với tổng kinh phí 7 tỷ đồng…


Nguồn: maynongnghiep.pro.vn

- Thực thi Luật KHCN sửa đổi doanh nghiệp có những thuận lợi gì thưa bà? 

GĐ Trần Kim Liên: Trong quá trình hoạt động thì chúng tôi nhận thấy, các chính sách của nhà nước về KHCN như ưu tiên và tập trung nguồn lực cho phát triển KHCN, áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích ưu đãi… cho hoạt động KHCN đã tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở và là động lực cho các doanh nghiệp KHCN xây dựng chiến lược R&D và mạnh dạn tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt với chính sách đổi mới tổ chức và quản lý KHCN cùng các chương trình như: sản phẩm trọng điểm quốc gia, chương trình đổi mới KHCN, Nghị định 80, 96 về doanh nghiệp KHCN đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia vào các chương trình nghiên cứu KHCN, được hỗ trợ kinh phí đầu tư và đặc biệt được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp để công ty có điều kiện tái đầu tư cho hoạt động KHCN. 

- Vậy theo bà cơ chế tài chính cho KHCN đã được sửa đổi phù hợp với thực tiễn ?

GĐ Trần Kim Liên: Khi triển khai Luật KH và CN thì liên quan nhiều lĩnh vực như chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, chuyển nhượng tài sản sở hữu trí tuệ, kinh phí nghiên cứu khoa học từ các quỹ đầu tư phát triển KHCN, đặc biệt các quy định về tài chính khi sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước chưa được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường là khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản dưới luật để thể chế luật chưa đồng bộ, phần lớn các doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp quy mô nhỏ, điều kiện tiếp cận các chương trình, các quỹ phát triển khoa học công nghệ gặp nhiều hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này muốn hưởng các chế độ ưu đãi về thuế, về tín dụng rất khó khăn.

- Để thúc đẩy doanh nghiệp của mình luôn luôn có sản phẩm hàm lượng KHCN cao, Bà mong muốn gì từ những chính sách, hệ thống pháp luật?

GĐ Trần Kim Liên: Chúng tôi cũng mong muốn, Nhà nước đặt hàng cho các doanh nghiệp tham gia trở thành chủ đầu tư trong các đề tài, dự án vì chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ thị trường cần gì. Về cơ chế quản lý tài chính, theo tôi nên giao cho doanh nghiệp và nhà khoa học được tự chủ về tài chính, sản phẩm KHCN được thẩm định giá bởi các tổ chức uy tín quốc tế. Đồng thời, nâng mức thù lao đối với các nhà khoa học, tạo môi trường làm việc tốt nhất để họ yên tâm công tác. Hỗ trợ vốn phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nghiên cứu KHCN, hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia công nghệ nước ngoài, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

- Xin cảm ơn bà!