|
|||
Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đã chia sẻ với phóng viên về dự báo những thách thức của ngành KH&CN trong thời gian tới. Ông đánh giá thế nào về những thành tựu của ngành KH&CN thời gian vừa qua? Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng: Hoạt động KH&CN luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên của Đảng và của lãnh đạo chính quyền các cấp, đặc biệt là sau khi Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từ đó, nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN có chuyển biến tích cực, hoạt động KH&CN đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có thể kể đến các kết quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, y – dược, công nghệ sinh học… và cả trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các cơ quan khoa học đã kịp thời cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước. Nổi bật là phục vụ Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiên cứu những vấn đề lý luận về sửa đổi Hiến pháp 1992; xây dựng trình Quốc hội thông qua dự án Luật KH&CN (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 (2013) với nhiều quy định mới theo hướng tích cự, hiện đại và hội nhập đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, tạo môi trường thuận lợi và đồng bộ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Tôi rất vui mừng, vì theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2013 số lượng công trình nghiên cứu có công bố và trích dẫn quốc tế tăng 9,4% so với năm 2012 và xếp vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 57 trên thế giới; trong nông nghiệp đã chọn tạo được nhiều giống cây, giống con mới, trong đó đã có hướng phát triển các sản phẩm quốc gia về “lúa gạo chất lượng cao, năng suất cao”, “nấm ăn và nấm dược liệu” để triển khai thực hiện nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất lúa và nấm ăn của nước ta, trong các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghiệp... cũng đạt được những thành tựu lớn. Qua làm việc với các cơ quan, tổ chức KH&CN, tôi nhận thấy hoạt động KH&CN ở các Bộ, ngành có nhiều chuyển biến tích cực, bám sát các định hướng phát triển KH&CN quốc gia, các nhiệm vụ, các chương trình KH&CN. Hoạt động KH&CN có chuyển biến tích cực không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà ở các doanh nghiệp của tất cả các thành phần kinh tế, của các tổ chức xã hội đến các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cá thể. Công tác chỉ đạo điều hành đã hướng vào mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội của địa phương cũng như cả nước. Tóm lại, hoạt động KH&CN năm 2013 là một năm thắng lợi, có nhiều ấn tượng Năm 2014 ngành KH&CN tiếp tục triển khai nhiều chính sách đổi mới cơ bản, đồng bộ và toàn diện hoạt động KH&CN, là năm đầu tiên triển khai Luật KH&CN sửa đổi và là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN. Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng: Quốc hội khóa XIII thông qua Luật KH&CN năm 2013 sẽ là căn cứ để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành chính sách đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN, chính sách sử dụng và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước và ở nước ngoài, sẽ là hành lang pháp lý để tiếp cận quản lý KH&CN theo phương thức hiện đại, xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của KH&CN để đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để sớm đưa những tư tưởng, quan điểm mới của Đảng, của Luật KH&CN được vận hành bài bản, đồng bộ ngay từ năm 2014. Đó là những thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông có thể cho biết dự báo của mình về những khó khăn, thách thức của ngành KH&CN trong thời gian tới? Tôi cho rằng bên cạnh thuận lợi như vậy, ngành KH&CN nước nhà cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ, trước hết phải nói đến, đó là việc cần sớm phải hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách để bảo đảm Luật KH&CN được triển khai sâu rộng vào cuộc sống, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế. Để triển khai Luật KH&CN, dự kiến phải ban hành 5 Nghị định, 28 Thông tư để hướng dẫn Luật. Đây quả là sự đòi hỏi lớn sự nỗ lực của các cơ quan, trước hết là Bộ KH&CN. Việc triển khai các chương trình, đề tài cần phải thiết thực hơn, coi trọng hơn đến hiệu quả ứng dụng, trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh và phát triển công nghệ để đưa yếu tố khoa học vào sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Cơ chế tài chính, đầu tư cho KH&CN trong năm 2014 cũng chưa được đổi mới nhiều, khó đạt được như mong muốn. Cần tăng cường phổ biến pháp luật về KH&CN cũng như quan điểm, đường lối của Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng đến tất cả các cơ quan tổ chức KH&CN, các ngành, các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và những giá trị mà KH&CN sẽ mang lại. Đẩy mạnh tiếp thu những quy định mới của chính sách, pháp luật để đổi mới, đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN là việc rất quan trọng, vì con người là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi. Tuy nhiên đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng mà việc đó cũng không phải một sớm một chiều mà giải quyết được. Trong năm tới, dù kinh tế thế giới và trong nước có ấm lên nhưng chắc còn khó khăn nên đầu tư cho KH&CN chắc cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây là một số khó khăn cơ bản trong rất nhiều khó khăn mà KH&CN nước nhà cần vượt qua.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!
Quỳnh Chi (thực hiện) |