Bản in
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Khoa học công nghệ Việt Nam sẽ khởi sắc trong những năm tới
Năm 2013 khép lại, đánh dấu một năm với vô số thành tựu nổi bật của khoa học công nước nhà. Đánh giá về những kết quả và thành công trong hoạt động KHCN trong một năm qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã dành cho PV một cuộc trao đổi nhân dịp năm mới.

Bộ KH&CN vừa công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2013, Thưa Bộ trưởng, ông ấn tượng với sự kiện nào nhất?

Tôi thật sự ấn tượng với danh sách 10 sự kiện đã được bình chọn, nó là một chuỗi những sự kiện đánh dấu sự phát triển mới của KHCN Việt Nam. Đối với cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng đó chính là Luật KHCN năm 2013, một luật vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường vừa khơi dậy được sự đam mê của giới khoa học Việt Nam, vừa tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động KHCN Việt Nam. Tôi hy vọng trong những năm tới chúng ta sẽ có những thành tựu to lớn hơn xứng đáng với một đất nước công nghiệp hóa.

Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về Luật KHCN sửa đổi và trong quá trình xây dựng Luật, Bộ K&CN đã có những tham khảo gì để có thể đưa ra một bộ Luật gần gũi và có khả năng thúc đẩy sự phát triển KHCN nước nhà?

Có thể nói là sau khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết mới về KHCN tại Hội nghị lần thứ 6 cuối năm 2012 thì  nhiệm vụ của chúng tôi là thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua việc xây dựng một bộ luật mới. Đây là một bộ Luật tôi cho là đã tiếp cận được với nền kinh tế thị trường. Trước đây chúng ta có luật năm 2000 nhưng những quy định được xây dựng năm 2000 khi chúng ta chưa phải là thành viên của WTO, khi đó chúng ta cũng chưa thực sự là một nền kinh tế thị trường. Còn giờ đây bối cảnh toàn toàn khác, chính vì thế nếu ai nghiên cứu luật KHCN 2013 có thể thấy rất rõ những nội dung ở trong đó hoàn toàn tiếp cận với kinh tế thị trường, nó khơi dậy đam mê của giới khoa học, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho giới khoa học. Đặc biệt nhà nước thể hiện vai trò của mình trong việc tìm nguồn đầu tư lớn hơn cho KHCN chứ không phải chỉ từ ngân sách nhà nước.

Luật KHCN mới cũng cho thấy các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sự phát triển KHCN của đất nước. Chúng ta phải đổi mới hoàn toàn cơ chế tài chính cho KHCN như là các nước đã đi trước chúng ta đã thực hiện, áp dụng cơ chế quỹ cho đề tài dự án KHCN, áo dụng cơ chế khoán cho các nhà khoa học để họ có thể đưa ra những sản phẩm trí tuệ đúng như họ mong muốn và có thể đưa vào suộc sống. Chúng ta cũng phải có chính sách trọng dụng những nhà khoa học có tài năng những người có những sự cống hiến thực sự đối với sự phát triển của đất nước thông qua những cơ chế, chính sách ưu đãi, trọng dụng giao quyền cho họ để họ có thể phát huy được trí tuệ của họ…

Trên cơ sở đó tôi cho rằng đổi mới tư duy toàn bộ hệ thống của chúng ta là quan trọng nhất và như vậy Luật KHCN sẽ làm cho đất nước chúng ta có được nền tảng để KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu. Tôi hy vọng sự tác động to lớn của nó đối với đất nước sẽ được minh chứng trong những năm tới đây.

Trong năm 2013, hoạt động KHCN ghi nhận rất nhiều những thành tựu, đặc biệt là hàng loạt những văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN đã được ban hành, vậy thưa Bộ trưởng đâu là những kết quả đã được ghi nhận trong một năm qua về lĩnh vực này?

Nổi bật nhất trong năm 2013 đó là Luật KH&CN sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013, có hiệu lực vào ngày 01/1/2014 và hoàn thành trình Chính phủ đúng tiến độ 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH&CN (Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Qũy phát triển KH&CN Quốc gia). Tính đến ngày 25/12/2013 đã có 42 văn bản trong lĩnh vực KH&CN đã được ban hành.

Cũng trong năm 2013, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện cơ bản hành lang pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của 3 chương trình quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang nỗ lực làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về định mức tiền lương, tiền công, tiền chi hoạt động bộ máy trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập; Thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định các yếu tố đầu vào cấu thành dự toán nhiệm vụ KH&CN.

Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt các đề án khung của 3 sản phẩm quốc gia “Vắc – xin phòng bệnh cho vật nuôi”, “Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn” và “An ninh mạng”; Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và xem xét hai đề án khung đối với “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao” và ‘Sản phẩm nấm ăn và nấm dược”; phối hợp với Bộ Công thương khảo sát, xây dựng dự thảo đề án khung đối “Giàn khoan khí dầu khí di động”; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và xem xét 7 dự án KH&CN đối với sản phẩm quốc gia “Vắc - xin phòng bệnh cho người”. Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt 6 dự án thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; 8 nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia,…

Năm 2014 sẽ là năm đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Ngày KHCN Việt Nam (18/5/2014). Dường như Bộ KHCN đang thực hiện một cuộc “tổng lực” để đưa lĩnh vực KHCN của nước ta lên một tầm cao mới?

Đúng là khi chúng tôi lựa chọn ngày 18/5 là ngày KHCN Việt Nam chúng tôi đã có một chủ ý bởi vì ngày 18/5/1963 lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí MInh nói chuyện với các nhà trí thức trong mội Hội nghị phổ biến khoa học. Đối với chúng tôi ngày KHCN Việt Nam sẽ là ngày các nhà khoa học trình diễn các kết của nghiên cứu của mình với xã hội. Chúng tôi sẽ tổ chức một loạt các sự kiện rất quan trọng bao gồm lễ công bố, lễ trao giải thưởng dành cho các nhà khoa học cơ bản, các hoạt động liên quan đến truyền thông cũng như chúng tôi yêu cầu các viện nghiên cứu, các trường đại học, các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ mở cửa để cho các tầng lớp nhân dân,  đặc biệt là thanh niên, sinh viên có thể đến thăm các phòng thí nghiệm của nhà nước, của các bộ ngành, các địa phương đòng thời nhìn thấy được các nhà khoa học làm việc như thế nào, các kết quả sáng tạo của họ được trình diễn như thế nào. Cuối cùng là có sự giao lưu giữa giới khoa học với giới trẻ. Chúng tôi mong muốn ngày KHCN Việt Nam đem đến tình yêu và đam mê đối với khoa học, điều mà hiện nay ở nước ta vẫn chưa được quan tâm. Chỉ có như thế khoa học Việt Nam mới có tương lai và có thể phát triển ở tương lai.

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng chắc chắn sẽ có một lời chúc tới các nhà làm khoa học?

Thay mặt cho những người làm quản lý KHCN, Bộ KHCN Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi đến các nhà khoa học trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Hy vọng Luật KHCN sẽ đem đến một làn gió mới để các nhà khoa học có thể cống hiến  bằng bằng những tài sản, trí tuệ mới của mình.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!