|
|||
Trong công cuộc đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp luôn được coi là nhân vật trung tâm được hưởng lợi ích, đồng thời giữ vai trò quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại của công cuộc này vì doanh nghiệp chính cũng chính là đối tượng có tiềm lực đầu tư mạnh nhất cho đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tuy nhiên, bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay đang đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước tình thế “lực bất tòng tâm”, muốn đổi mới công nghệ nhưng khả năng tài chính không đủ mạnh. Vậy, hơn lúc nào hết những doanh nghiệp có tinh thần KH&CN cần sự chung tay của nhà nước trong việc đổi mới công nghệ để có một nền sản xuất phát triển bền vững. Đó được coi là “phao” hữu ích trong cho các doanh nghiệp có tinh thần KH&CN. - Phóng viên: Phong trào ĐMST do Bộ KH&CN đang phát động hướng vào đối tượng đầu tiên là tầng lớp doanh nhân. Liệu đây có phải thời điểm thuận lợi không khi trải qua một thời kỳ suy giảm khá dài, nhiều doanh nghiệp đang kiệt sức, thậm chí kiệt quệ về tài chính, vậy họ có đủ tiềm lực để có thể tham gia vào tiến trình này không, thưa ông? Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: Câu hỏi này khá hay. Chúng ta có thể hình dung một người bơi rất giỏi và đang ở thời kỳ rất sung sức, chắc chắn họ sẽ không cần dùng đến phao. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản, thì chiếc phao duy nhất họ có thể trông cậy được chính là phát triển KH&CN. Vì thế ở thời điểm này, chúng ta đưa ra phong trào ĐMST dựa trên nền tảng KH&CN là rất phù hợp với các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp còn tồn tại, đang phát triển tốt cũng rất cần KH&CN, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn lại càng cần đến đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới để có thể trụ lại trong bối cảnh hiện nay. ĐMST thực sự sẽ giúp hệ thống doanh nghiệp của chúng ta phát triển. Hiện thị trường công nghệ của chúng ta còn rất manh nha, nhưng đã đến lúc phải xây dựng thị trường công nghệ với đầy đủ ý nghĩa gồm nguồn cung là giới khoa học, nguồn cầu là giới doanh nghiệp và thiết lập hệ thống định chế trung gian - cầu nối giữa hai khối. Hầu như chúng ta không có các tổ chức trung gian để làm nhiệm vụ này. Rất ít các tổ chức về đánh giá, thẩm định, giám định, định giá, tư vấn để các nhà khoa học và giới doanh nghiệp có thể đến được với nhau, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhau. Đồng thời, cũng cần quan tâm cơ chế chính sách của nhà nước, hỗ trợ cho cả 3 khối là nguồn cung, nguồn cầu và định chế trung gian. Luật KH&CN năm 2013 đã thiết lập được hệ thống như vậy. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một Nghị định mới về Phát triển thị trường công nghệ. Hy vọng sắp tới, thị trường KH&CN sẽ có những khởi sắc. - Bộ trưởng vừa nói đến ý nghĩa của chiếc phao KH&CN, tuy nhiên có một mâu thuẫn, khi doanh nghiệp đã kiệt sức, khó khăn về mặt tài chính nhưng để có sản phẩm công nghệ tốt, làm chủ công nghệ lại cần vốn để đầu tư, mua sắm công nghệ, thiết bị mới. Vậy làm thế nào để họ bám được vào chiếc phao đó, thưa ông? Chính vì thế nhà nước phải hỗ trợ cho doanh nghiệp. Không nói đến những nguồn hỗ trợ khác của nhà nước, chỉ nói riêng trong lĩnh vực KH&CN, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép thành lập Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia với kinh phí 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Nguồn lực này có thể chưa đáp ứng được yêu cầu của hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhưng lại là nguồn lực rất quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có tinh thần khoa học. Đồng thời chúng ta cũng sẽ tìm kiếm những nguồn kinh phí khác hỗ trợ cho hoạt động này, ví dụ như mới đây, chúng ta đã đàm phán thành công để Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam một dự án trị giá 100 triệu USD để thành lập, phát triển các doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu KH&CN chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo cơ chế để từ đó hình thành các doanh khởi nghiệp, đó chính là các doanh nghiệp KH&CN. Với các nguồn lực này, hy vọng những doanh nghiệp quan tâm đến KH&CN có thể tiếp cận nhằm có thêm nguồn lực như một chiếc phao để tiếp tục phát triển.
Nhờ áp dụng tiến bộ KH&CN, Nhà máy sản xuất túi Tú Phương đã thu lợi nhuận cao. Ảnh: HA - Thưa Bộ trưởng, năng lực của các nhà nghiên cứu, sáng chế và các nhà khoa học vẫn là một câu hỏi lớn trong suy nghĩ của các doanh nhân. Vậy, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới, nhất là khi Luật KH&CN sửa đổi bắt đầu có hiệu lực? Có thể nói các nhà khoa học Việt Nam cũng không thua kém về năng lực, trình độ của các nhà khoa học trong khu vực. Tuy nhiên, số bài báo công bố quốc tế và số đăng ký sáng chế của Việt Nam còn thấp hơn các nước rất nhiều. Nguyên nhân khách quan là chúng ta còn chưa có thói quen đăng ký sáng chế, công bố quốc tế, chưa coi đó là tiêu chuẩn sống còn, trong khi các nước khác điều này trở thành tiềm thức của những người làm khoa học. Hơn nữa, chúng ra mới bước vào kinh tế thị trường, chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học. Vì thế, khi đăng ký sáng chế phải bộc lộ bí quyết công nghệ, giải pháp nên các nhà khoa học cảm thấy không yên tâm. Về nguyên nhân chủ quan, đầu tư cho KH&CN, nghiên cứu triển khai còn quá thấp. Đầu tư từ nhà nước đã ở mức 2% tổng chi ngân sách trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên trong 2% đó, kinh phí dành cho nghiên cứu thực sự chỉ chiếm khoảng 10%, tức là trong một năm chưa có tới 100 triệu USD dành cho nghiên cứu thực sự. Vì thế, kết quả nghiên cứu còn ít. Trong khi đó, tại các quốc gia trong khu vực và thế giới, nguồn đầu tư cho KH&CN không chỉ từ ngân sách nhà nước, đầu tư từ xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp mới là đối tượng đầu tư cho KH&CN lớn nhất. Ví dụ, Hàn Quốc có đầu tư từ doanh nghiệp cho KH&CN lớn hơn 10 lần so với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các nước khác thường cao hơn từ 3 - 4 lần. Còn ở Việt Nam, nguồn đầu tư xã hội, chủ yếu là từ các doanh nghiệp cho KH&CN chưa bằng ½ nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vì thế chúng ta rất thiếu nguồn lực. Mấy năm gần đây, khi Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đi vào hoạt động đã tạo hiệu ứng rất tốt. Tiêu chí đầu ra bắt buộc với đề án, đề tài do Quỹ tài trợ phải có bài báo quốc tế. Khi có ràng buộc như vậy, lập tức công bố của Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước đây. Điều đó chứng tỏ, nếu có cơ chế ràng buộc, đồng thời có sự hỗ trợ đích đáng, KH&CN Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển và đuổi kịp các nước khác. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp hãy đầu tư cho KH&CN thông qua việc thành lập Qũy Phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Trong Luật KH&CN năm 2013 cũng đã quy định doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thành lập quỹ này, dành một tỷ lệ nhất định lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KH&CN. - Ông đánh thế nào về vai trò của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ở nước ta đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế, khó khăn trong huy động vốn để đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, trong khi, chúng ta đang mong muốn tăng mức đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho KH&CN. Đúng là hiện mức đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng ở các nước khác các doanh nghiệp nhỏ họ vẫn đầu tư cho KH&CN. Nếu biết cách vận hành, chúng ta vẫn huy động được một nguồn đầu tư nhất định. Nhà nước cũng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp dành một phần doanh thu của họ thành lập Qũy Phát triển KH&CN thì sẽ được tính vào chi phí hợp lý trước thuế, nói cách khác là nhà nước sẽ miễn thuế cho phần kinh phí đầu tư vào phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhà nước thời gian gần đây đã quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã dành tới gần 10% trước thuế để thành lập Quỹ, nhưng lại không sử dụng được nguồn kinh phí này vì quy định của chúng ta coi 100% nguồn này như ngân sách nhà nước và quản lý quá chặt nên doanh nghiệp ngần ngại trong việc trích quỹ. Nếu có cơ chế quản lý hợp lý, chỉ quản lý phần thuế nhà nước đã cho doanh nghiệp như ngân sách nhà nước, còn doanh nghiệp được tự chủ phần còn lại, doanh nghiệp chắc chắn sẽ hào hứng hơn. Còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu coi tài sản trí tuệ - kết quả nghiên cứu, sáng chế là nguồn tài sản vô hình, chúng ta sẽ huy động được nguồn đầu tư của xã hội thông qua đóng góp của các cổ đông, bởi một doanh nghiệp được hình thành nếu chỉ dựa vào nguồn tiền mặt và tài sản hữu hình sẽ không đủ. Chúng ta nên coi tài sản trí tuệ cũng là một nguồn vốn, là tài sản hữu hình. Hoàng Anh – Hạnh Nguyên (lược ghi)
|