|
|||
Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết, trong 10 năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách cho CNTT-TT phát triển, nhất là sau khi gia nhập WTO, như cho ra đời Luật CNTT (2006), Luật Viễn thông (2009) cùng nhiều Nghị định liên quan đến CNTT-TT…Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã triển khai nhiều chương trình nhằm phát triển CNTT như Chương trình phát triển hạ tầng CNTT, Chương trình phát trển nguồn nhân lực cho CNTT, Chương trình Chính phủ điện tử… Phát triển CNTT-TT Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều thuận lợi vì dù đi sau một số nước trong khu vực, nhưng Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách hợp lý kế thừa, vận dụng và phát huy những thành tựu về khoa học công nghệ tiên tiến các nước. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ chiếm tới 60% dân số nên có ưu thế trong việc tạo nguồn nhân lực CNTT cho hiện tại và những năm tiếp theo. An ninh, chính trị ổn định, là thị trường lớn với sức tiêu dùng, sử dụng của hơn 80 triệu dân, do vậy Việt Nam có ưu thế để có thể cạnh tranh với nhiều nước khác.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, thời gian gần đây, doanh thu của ngành CNTT&TT Việt Nam tăng trung bình trên 20%/năm, nhất là công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số có doanh thu tăng trưởng trên 25%/năm vào những năm 2008 – 2009. Chỉ riêng trong năm 2009, lĩnh vực Internet đã đạt 6,26 tỷ USD, chiếm 7% giá trị tổng sản phẩm quốc nội, lĩnh vực nội dung số có doanh thu khoảng 700 triệu USD, tăng trưởng 50% so cùng kỳ, công nghiệp phần mềm đạt 800 triệu USD, tăng 40%. Năm 2010 số người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt khoảng 27 triệu người, và điện thoại cố định đã được sử dụng phổ biến ở 63 tỉnh thành.
Cũng trong thời gian qua, quy mô DN trong lĩnh vực CNTT-TT đã tăng nhanh, nhất là DN vừa và nhỏ, đây cũng là lĩnh vực thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Fuji đầu tư tại Đồng Nai, Samsung tại Bắc Ninh…, các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Compal Foxconn, Olympus, Samsung… cũng đang xem Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng. Cuối tháng 10 này Tập đoàn Intel sẽ khai trương nhà máy lắp ráp, kiểm tra chíp bán dẫn tại Việt Nam với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Ông Navin Shenoy, Tổng giám đốc phụ trách Khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Intel cho biết, Intel đầu tư vào Việt Nam nhằm khai thác các cơ hội phát triển tại một thị trường đang nổi lên ở châu Á.
Tuy nhiên, trong hội nghị, nhiều chuyên gia, diễn giả cũng đã nên lên môt số trở ngại cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT. Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực CNTT-TT vẫn còn một số hạn chế, chưa khoa học, chưa tạo lợi thế, kích thích cho DN trong ngành, nhất là DN vừa và nhỏ phát triển. Vẫn còn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong sử dụng các dịch vụ từ CNTT; nhân lực CNTT còn hạn chế (yếu ngoại ngữ, chưa quen phong cách làm việc theo công nghệ mới…). Đặc biệt, trên thế giới đã định hình việc phân công trong CNTT mà Việt Nam vẫn còn đang trăn trở việc chọn cho mình chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng giám đốc điều hành Quỹ IDG Ventures Vietnam cho biết, sự phát triển mạnh của ngành đã sinh ra nhiều băn khoăn và đang thiếu một sự nhìn nhận đúng về tiềm năng, thực lực toàn diện của thị trường CNTT-TT. Ông Ngô Đức Chí, Phó Chủ tịch HĐQT Global Cybershot cho rằng, hệ thống viễn thông chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phần mềm, bởi băng thông rộng tại Việt Nam chỉ 3 Mbps, trong khi ở các nước đã là 30 Mbps. Ông Hàn Nhật Quang, Tổng giám đốc Aricent Vietnam cho biết, chính sách thuế XNK thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất phần mềm vẫn còn nhiêu khê, rườm rà, khó khăn về thủ tục.
Song theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, để tạo thêm điều kiện cho lĩnh vực CNTT-TT phát triển, Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT giai đoạn 2011-2010”. Theo đó, những điểm chính trong đề án là sẽ phát triển nguồn nhân lực có trình độ quốc tế khoảng 1 triệu người vào 2010 để đáp ứng yêu cầu trong nước lẫn quốc tế; sẽ hoàn thiện tiếp hạ tầng cơ sở CNTT-TT để tất các các xã, hải đảo, vùng sâu-xa… có đầy đủ hạ tầng về CNTT (hạ tầng mạng, cáp quang…) hoặc được phủ sóng băng thông rộng, các hộ gia đình trên toàn quốc sẽ có hệ thống nghe nhìn tích hợp đa dịch vụ ở thiết bị đầu cuối. Đề án cũng đề cập đến việc sẽ hình thành các tập đoàn Việt Nam mạnh về CNTT, hỗ trợ hình thành các khu CNTT tập trung…Đề án khuyến khích xã hội hoá trong đầu tư, như khuyến khích tăng hơn nữa sự hợp tác giữa DN trong và ngoài nước qua liên doanh-liên kết, tăng trọng tâm đầu tư vào phát triển con người lĩnh vực phần mềm, phần cứng, nội dung số…Đề án cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực tài chính để DN ngành CNTT có thêm những ưu đãi phát triển.
Như thế, ở góc độ đầu tư, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho rằng, đề án trên chính là lộ trình của một thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực CNTT-TT, nhất là việc sẽ xây dựng khoảng 15 khu CNTT tập trung với các chính sách ưu đãi cao nhất, vì thế, các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước, nên tận dụng các cơ hội này để đầu tư, phát triển. Đồng thời, Bộ TT-TT cũng rất mong nhận được những góp ý về cơ chế, chính sách, cả những kiến nghị từ DN trong và ngoài nước để ngành CNTT-TT Việt Nam tiêp tục phát triển.
Ngọc Long |