Bản in
Pháp luật và cơ chế chính sách-môi trường thuận lợi để phát triển KH&CN
Thời gian qua, khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách là một trong những yếu tố tạo môi trường thuận lợi để phát triển KH&CN.

Bắt đầu từ năm 2013, Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, Bộ KH&CN sẽ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật về KH&CN đi vào cuộc sống ngày một sâu rộng.

Sớm xây xong “ngôi nhà KH&CN”

Nếu trước năm 2000 toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam không có đạo luật chuyên ngành nào về KH&CN thì từ năm 2000 chúng ta xây dựng và đến nay hệ thống pháp luật về KH&CN được tạo lập và ngày càng hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Đó là Luật KH&CN năm 2000; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007; Luật Công nghệ cao, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, Luật  Đo lường năm 2011...

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 5 ngày 18/6/2013 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN sửa đổi (thay thế Luật KH&CN năm 2000) được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn sinh khí mới, để đưa KH&CN thực sự trở thành chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội. Bộ KH&CN cũng đang soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năng lượng nguyên tử, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, nếu như ví việc xây dựng nền tảng pháp lý cho KH&CN như xây dựng nền móng của một ngôi nhà, thì nhiệm vụ trong những năm tới chúng ta phải xây xong “ngôi nhà KH&CN” để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu tới năm 2020 về cơ bản Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là công việc rất nặng nề, bởi chưa đầy 10năm tới là những năm cuối nước rút thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa 8 về KH&CN và giáo dục đào tạo, kể từ thời điểm 1996 lần đầu tiên hai lĩnh vực đó được coi là quốc sách hàng đầu và đặt mục tiêu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thời gian vừa qua, Việt Nam chủ yếu tăng trưởng nhờ đổi mới cơ chế. Ví dụ như, chúng ta tháo gỡ khó khăn cho nông dân bằng cách giao ruộng đất cho họ, thực hiện khoán 10, khoán 100, rồi thực hiện tự do thông thương sản phẩm. Đối với sản xuất công nghiệp có Luật doanh nghiệp, cởi trói cho doanh nghiệp, cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Chúng ta có chính sách thuế, chính sách ưu đãi… để kích thích doanh nghiệp phát triển.

KH&CN cũng như Giáo dục, Y tế đã tháo gỡ rất nhiều cơ chế cũ, giao quyền tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp, hình thành hệ thống các tổ chức sự nghiệp ngoài nhà nước, ngoài công lập. Trước năm 2000 hầu hết tổ chức KH&CN là của nhà nước, một số ít là tổ chức KH&CN của các tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, không có tổ chức của tư nhân. Sau Nghị định 81 để thực hiện Luật KH&CN bắt đầu hình thành các tổ chức KH&CN của tư nhân và các tổ chức xã hội khác. Đến nay các tổ chức ngoài nhà nước đã chiếm gần 60% trong tổng số 1500 tổ chức KH&CN của cả nước.

Mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đó là tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống 15% trong GDP, yếu tố năng suất tổng hợp TFP khoảng 35% trong tăng trưởng GDP. Để đạt mục tiêu đó đối với Việt Nam không đơn giản. Trong khi tài nguyên thiên nhiên nước ta đang ngày càng cạn kiệt. Tới năm 2014-2015 chúng ta phải tính đến chuyện nhập khẩu than, dầu mỏ ta khai thác chưa đủ cho nhu cầu trong nước.

Tạo bước đột phá về thị trường KH&CN trong những năm tới

Con đường tất yếu phải dựa vào KH&CN

Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện với nhiều cơ hội và thách thức. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững, con đường tất yếu phải dựa vào KH&CN.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, để đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một nền KH&CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030, một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới (như Nghị quyết Trung ương 6 - khóa XI và Chiến lược phát triển KH&CN đã đề ra), hoạt động KH&CN cần bám sát các định hướng sau: đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN; đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN; đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN.

Song song với việc đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN là triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu và tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia

Cụ thể là xây dựng chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực toán, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Ưu tiên phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, công nghệ môi trường.

Phát triển mạnh KH&CN nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Chuẩn bị tích cực cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tập trung đầu tư phát triển một số viện KH&CN, trường đại học cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến thế giới. Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng. Đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Cùng với đó là phát triển mạnh thị trường KH&CN theo hướng hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian môi giới, đánh giá, định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Xây dựng bộ chỉ số thống kê, đo lường kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN. Xác định rõ đối tác chiến lược trong hợp tác nghiên cứu chung và địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn cần khai thác, chuyển giao. Triển khai hợp tác KH&CN tầm quốc gia với các nước tiên tiến về KH&CN, là đối tác chiến lược của Việt Nam. Có cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà KH&CN nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam.

Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển KH&CN, trong những năm tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tập trung các nguồn lực để triển khai có hiệu quả Chiến lược và chương trình, đề án trọng điểm quốc gia về KH&CN trong các lĩnh vực ưu tiên tới năm 2020.

Bài, ảnh: Mai Chi