Bản in
Xây dựng cơ chế chính sách đầu tư và tài chính phù hợp để phát triển KH&CN
Nhằm hưởng ứng triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức trong Bộ. Bộ cũng đang tích cực tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các đạo Luật trong ngành KH&CN, trong đó có có Luật KH&CN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Cụ thể, để triển khai Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xây dựng các nghị định, thông tư nhằm cụ thể hóa nội dung của Luật. Trong đó có Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN - vấn đề hiện đang còn nhiều bất cập.

Dự thảo Nghị định được soạn thảo dựa trên Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN và Luật KH&CN sửa đổi, nhằm đưa phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN tiệm cận thông lệ quốc tế. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 28 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58, 63 của Luật KH&CN và một số nội dung cần thiết về dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) và nội dung chi cho hoạt động KH&CN, quản lý nhà nước về quỹ phát triển KH&CN, chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động KH&CN.

Nhiều điểm mới trong cơ chế đầu tư

Theo dự thảo Nghị định, căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển KH&CN, Nhà nước đảm bảo chi cho KH&CN có thể cao hơn 2% và tới năm 2020 đạt mức tối thiểu 2,3% trong tổng chi NSNN. Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động KH&CN được ngân sách chi trả nhằm quản lý nguồn NSNN cấp cho hoạt động KH&CN được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích hơn.

Một nội dung mới của Luật KH&CN năm 2013 đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định, đó là cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Luật KH&CN năm 2013 đã chỉ rõ “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh, có tác động mạnh đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt”. Nhiệm vụ này do Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện. Theo dự thảo Nghị định, Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí từ NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được huy động từ nguồn ngân sách cho KH&CN và các nguồn ngân sách khác theo quy định của Luật Ngân sách.

Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nhiệm vụ KH&CN đặc biệt phải thực hiện cấp bách, cơ quan chủ trì có trách nhiệm triển khai kịp thời nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tạm ứng kinh phí để thực hiện đồng thời xây dựng dự toán tổng kinh phí trình phê duyệt; nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được quyền bổ sung nội dung và kinh phí theo yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ.

Thành lập quỹ phát triển KH&CN

Dự thảo Nghị định đã dành phần lớn nội dung cụ thể hóa các quy định về việc thành lập quỹ phát triển KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN và Luật KH&CN. Các nhà khoa học đánh giá rất cao cơ chế này bởi có những điểm rất thuận lợi, phù hợp với đặc thù của KH&CN: cấp kinh phí kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ; không phải quyết toán theo năm tài chính; cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển nguồn năm sau, tránh được tình trạng các đơn vị cố để tiêu hết tiền. Hiện ở Trung ương đã có Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, nhiều bộ, ngành cũng đã xây dựng quỹ phát triển KH&CN. Các nhà khoa học khi được giao nhiệm vụ, hoặc có ý tưởng nghiên cứu sẽ nộp hồ sơ, quỹ sẽ thẩm định, tuyển chọn, phê duyệt. Nếu nhiệm vụ được phê duyệt sẽ tiến hành ký hợp đồng và cấp kinh phí thực hiện ngay. Đây cũng là cơ chế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Và điều quan trọng, các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải lập quỹ, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết có thể đóng góp phần đó cho quỹ của Bộ, của tỉnh. Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp nhà nước sản xuất thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng phải trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Các doanh nhiệp nhà nước còn lại sẽ trích tối thiểu 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

 Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được bổ sung nội dung, kinh phí theo yêu cầu của nhiệm vụ.

Thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng

Về cơ chế tài chính, dự thảo nghị định đã quy định rõ về kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức KH&CN công lập; cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; khoán chi một phần đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; sử dụng kinh phí khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sẵn bằng nguồn NSNN; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hình thức đặt mua; chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động KH&CN; chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN.

Đây là những vấn đề được các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng cần có sự đổi mới mạnh mẽ để KH&CN “bứt phá”. Về phương thức khoán chi đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, những nội dung chi liên quan đến con người như tiền công, công tác phí, tọa đàm, hội thảo, chi phí chuyên gia,... sẽ được khoán, chỉ có một vài nội dung sẽ không được khoán như mua sắm trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, đoàn ra nước ngoài phải theo quy định của nhà nước. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thiếu trung thực trong hợp thức hóa chứng từ, ví dụ phải ký nhận 4 chữ ký để có 300.000 bồi dưỡng chuyên gia tại hội thảo, hội nghị,…

Trước nhiều băn khoăn của các nhà khoa học về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, không bao giờ có khoán trắng, tức là không có chuyện giao cho nhà khoa học 10 tỷ mà không cần chứng từ thanh quyết toán. Vẫn phải có chứng từ nhưng là chứng từ nội bộ và chứng từ thực chi.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí: nhiệm vụ có sản phẩm cuối cùng đã xác định rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng; dự toán của nhiệm vụ đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo các định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí; thủ trưởng tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN có cam kết bằng văn bản về định lượng kết quả và chấp nhận khoán chi.

Theo dự thảo Nghị định, sẽ thực hiện khoán chi một phần với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có tính rủi ro cao và nhiệm vụ KH&CN không thể khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và đáp ứng các tiêu chí: có từng phần công việc xác định được rõ nội dung, mục tiêu, yêu cầu, kết quả, kinh phí thực hiện; dự toán phần công việc được khoán chi của nhiệm vụ KH&CN đã được tính đúng, tính đủ tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo các định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành.

Bộ KH&CN đang đưa dự thảo Nghị định lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức KH&CN, viện, trường, doanh nghiệp,... Phần lớn các ý kiến góp ý đều cho rằng, nếu Nghị định được ban hành sẽ là bước mở, đột phá lớn với những người làm khoa học bởi vấn đề đầu tư và cơ chế tài chính là khâu khó khăn, bất cập những năm qua, chưa tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển kịp thời so với nhu cầu xã hội. Để hoàn thiện, dự thảo Nghị định cần có lý giải hoặc cách hiểu thế nào là đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN; cần có tiêu chí xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi, khoán chi một phần. Đối với các khoản khoán chi đến sản phẩm cuối cùng nên áp dụng hợp đồng như mua sản phẩm khoa học, công nghệ từ nguồn NSNN. Đối với nhiệm vụ KH&CN dùng NSNN bị dừng thực hiện hoặc không đạt yêu cầu nên áp dụng theo cơ chế hợp đồng thật chặt chẽ trong đó có trách nhiệm cả bên thực thi và bên giám sát hợp đồng; bổ sung quy định về cơ chế và trách nhiệm tài chính trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, chuyển từ nhiệm vụ KH&CN đặc biệt sang không đặc biệt, tạm dừng hoặc dừng trước thời hạn nhiệm vụ KH&CN đặc biệt,...

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh