Tọa đàm do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/11 mới đây nhằm tham vấn ý kiến lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp,… Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đã đến dự Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về 6 nội dung chính của dự thảo Nghị định gồm: phạm vi điều chỉnh, nội dung chi NSNN cho KH&CN, cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, phương thức khoán chi, đầu tư NSNN cho KH&CN, quỹ phát triển doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định được soạn thảo dựa trên Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN và Luật KH&CN sửa đổi, nhằm đưa phương thức đầu tư và cơ chế tài chính trong KH&CN tiệm cận thông lệ quốc tế. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 28 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58, 63 của Luật KH&CN và một số nội dung cần thiết về dự toán NSNN và nội dung chi cho hoạt động KH&CN, quản lý nhà nước về quỹ phát triển KH&CN, chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động KH&CN.
Về đầu tư cho hoạt động KH&CN, dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động KH&CN được ngân sách chi trả nhằm quản lý nguồn NSNN cấp cho hoạt động KH&CN được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích hơn.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Cụ thể, Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí từ NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. NSNN để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được huy động từ nguồn ngân sách cho KH&CN và các nguồn ngân sách khác theo quy định của Luật Ngân sách.
Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được giao trực tiếp cho tổ chức chủ trì thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với nhiệm vụ KH&CN đặc biệt phải thực hiện cấp bách, cơ quan chủ trì có trách nhiệm triển khai kịp thời nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tạm ứng kinh phí để thực hiện đồng thời xây dựng dự toán tổng kinh phí trình phê duyệt; nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được mở tài khoản riêng dùng cho việc tiếp nhận và giải ngân nguồn kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ KH&CN đặc biệt đã được phê duyệt; tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt được quyền bổ sung nội dung và kinh phí theo yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ.
Về đầu tư của doanh nghiệp, theo dự thảo Nghị định, doanh nghiệp nhà nước sản xuất thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng phải trích 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Các doanh nhiệp nhà nước còn lại sẽ trích tối thiểu 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỉ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Về cơ chế tài chính, dự thảo Nghị định đã quy định rõ về kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức KH&CN công lập; cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; khoán chi một phần đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; sử dụng kinh phí khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sẵn bằng nguồn NSNN; mua kết qả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hình thức đặt mua; chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động KH&CN; chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, dự thảo Nghị định này là bước mở, đột phá lớn với những người làm khoa học bởi vấn đề đầu tư và cơ chế tài chính là khâu khó khăn, bất cập trong những năm qua, chưa tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển kịp thời so với nhu cầu xã hội. Đồng thời đưa ra nhiều ý kiến góp ý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Theo đó, các đại biểu cho rằng cần có lý giải hoặc cách hiểu thế nào là đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN; cần có tiêu chí xác định nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN được thực hiện khoán chi, khoán chi một phần. Đối với các khoản khoán chi đến sản phẩm cuối cùng nên áp dụng hợp đồng như mua sản phẩm khoa học, công nghệ từ nguồn NSNN. Đối với nhiệm vụ KH&CN dùng NSNN bị dừng thực hiện hoặc không đạt yêu cầu nên áp dụng theo cơ chế hợp đồng thật chặt chẽ trong đó có trách nhiệm cả bên thực thi và bên giám sát hợp đồng; bổ sung quy định về cơ chế và trách nhiệm tài chính trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ KH&CN đặc biệt, chuyển từ nhiệm vụ KH&CN đặc biệt sang không đặc biệt, tạm dừng hoặc dừng trước thời hạn nhiệm vụ KH&CN đặc biệt,...
Tin, ảnh: Nguyễn Hạnh
|