
|
|||
- Có thể khẳng định nhiều điểm mới trong dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được coi là có tính đột phá. Những yếu tố nào sẽ mang tính đột phá cho sự phát triển hoạt động khoa học công nghệ nước nhà, thưa đại biểu? ĐBQH Trương Minh Hoàng: Dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) có mấy điểm mà theo tôi là có tính đột phá: Thứ nhất về cơ chế tài chính. Thứ hai là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đề tài, các chủ đầu tư dự án tập trung cho nghiên cứu. Thứ ba là việc sắp xếp, bố trí hệ thống tổ chức trong thời gian tới. Trong thời gian qua, cùng với sự chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực do chúng ta sắp xếp chưa hợp lý. Bộ nào, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những bộ phận chỉ tập trung nghiên cứu một hoặc hai vấn đề, gây lãng phí nguồn nhân lực. Mặt khác, trong quá trình sắp xếp sẽ đạt được yêu cầu để khắc phục được trong thời gian tới nhưng tôi quan tâm nhất tới vấn đề là cơ chế tài chính và tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong quá trình nghiên cứu khoa học phải gắn với kinh doanh, lao động sản xuất. Nếu chúng ta làm tốt được vấn đề này thì khoa học công nghệ sẽ phát triển. - Và thực trạng những hạn chế của hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay là những vấn đề gì? ĐBQH Trương Minh Hoàng: Theo tôi, những hạn chế hiện nay là hoạt động khoa học và công nghệ chưa quy tụ được sức mạnh của đội ngũ các nhà làm khoa học. Kể cả khâu sắp xếp, bố trí cán bộ cũng đang thực hiện theo cách truyền thống, chưa thực sự chú trọng đầu tư cho các nhà khoa học nên chưa thu hút được những nhà khoa học đầu ngành. Như hiện nay, việc tuyển chọn qua hình thức thi tuyển, hình thức nghiên cứu để tài công bố, tuyển chọn công khai cũng đang còn ít. Ví dụ như chọn các vị trí viện trưởng, giám đốc đầu ngành thì nhiều địa phương chưa tổ chức thi về năng lực, hiểu biết, thuyết trình về khả năng của mình. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu khá nhiều, có nghiệm thu đề tài và tốn kém nguồn kinh phí cũng không ít nhưng việc ứng dụng đề tài này để đưa vào ứng dụng trong thực tế, trong quản lý thì còn rất ít. Có những đề tài sau khi nghiệm thu, thuyết trình xong lại để đấy, việc ứng dụng hầu như không có. Về đội ngũ cán bộ, nhà khoa học chưa phải là thiếu nếu xét về con số, nhưng để quy tụ được lực lượng này ở lại như thế nào cho bảo đảm phát huy tối đa, không lãng phí nguồn nhân lực thì cũng cần phải sắp xếp lại. Kinh phí ít nhưng nhiều khi nghiên cứu về một vật liệu hoặc về một đề tài nào đó lại giao cho nhiều bộ, nhiều ngành. Ví dụ, tại địa phương nghiên cứu một mẫu nước, nhưng rất nhiều ngành như tài nguyên môi trường, công an, y tế… đều có những máy móc có thể phục vụ việc kiểm tra đó. Cả nguồn nhân lực lẫn kinh phí đầu tư máy móc bị phân tán, tốn kém không cần thiết. Đây là hạn chế điển hình vừa qua mà chúng ta cần khắc phục. Kể cả trong nguồn kinh phí, phân khai kinh phí, quản lý kinh phí còn rất nhiều vấn đề. Ví dụ, nguồn kinh phí về khoa học công nghệ nhưng nhiều dự án không phải giao cho Bộ Khoa học- Công nghệ, về địa phương thì không phải giao cho Sở Khoa học- Công nghệ mà lại phân theo ngành dọc, thậm chí xuống tận từng huyện, ngành nào cũng có một mảng nghiên cứu về vấn đề này. Như vậy, nhiều đề tài ứng dụng mới đã chịu hao tốn không nhỏ về các chi phí hành chính, chi phí quản lý. - Để quyết định đến sự phát triển của nền khoa học và công nghệ của đất nước thì vấn đề đổi mới cơ chế quản lý và tài chính là vô cùng cấp thiết, thưa đại biểu? ĐBQH Trương Minh Hoàng: Đây là vấn đề Ban soạn thảo dự án Luật Khoa học - Công nghệ (sửa đổi) lần này cần đặc biệt quan tâm. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý các bộ ngành, địa phương cũng trăn trở rằng thời gian vừa qua chúng ta đã trói buộc, không chủ động về vấn đề tài chính, không chủ động về tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có khi kinh phí về đến nơi thì thời gian đã gần hết, trong khi đó lại đề nghị cuối năm quyết toán hồ sơ thủ tục giấy tờ. Một nhà khoa học muốn làm khoa học trên cơ sở thật công tâm, mà cơ chế tài chính buộc phải có quyết toán, giấy tờ, mất nhiều thời gian không cần thiết. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong thời gian đã qua, do đó, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý và tài chính là vô cùng cấp thiết. - Cho đến nay, nền khoa học nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển? ĐBQH Trương Minh Hoàng: Theo tôi nhân lực, tổng lực chúng ta bỏ ra công sức đề đào tạo, nghiên cứu trong nước và nước ngoài, được các nước khác thừa nhận cũng khá nhiều. Nhiều đề tài khoa học của đội ngũ này đã được công nhận, có hiệu quả rất thiết thực, áp dụng được trong đời sống thực tiễn. Ví dụ, xung quanh vấn đề cải tạo giống cây trộng vật nuôi, chúng ta cũng đã có những đề tài và đưa vào ứng dụng khá lớn. Nhưng cái khó hiện nay là khi nghiên cứu, tập hợp lực lượng thì lại lãng phí chất xám và lãng phí đào tạo. Chúng ta nên có cơ chế xem xét, thậm chí là có những phương pháp phát hiện kịp thời, trọng dụng và bố trí đặc cách. Một trong những lĩnh vực tôi rất quan tâm đó là lĩnh vực đầu tư khoa học cần nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội để làm thế nào vừa nghiên cứu để phát triển, vừa chú ý trong quản lý, điều hành. Có như vậy mới bảo đảm khoa học công nghệ phát triển thật sự toàn diện và góp phần phát triển đất nước được. - Xin cám ơn đại biểu! |