
|
|||
Rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị “Giới thiệu Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành” đã chia sẻ như vậy. Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á – Thái Bình Dương (IAP) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức tại Hòa Bình mới đây. Cơ chế thông thoáng cho hoạt động KH&CN Các đại biểu tại hội nghị đã nghe báo cáo giới thiệu Luật KH&CN 2013 và tóm tắt quá trình tiếp thu ý kiến và hoàn thiện Luật, báo cáo về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN 2013. Phần lớn các đại biểu cho rằng, Luật KH&CN (sửa đổi) có nhiều điểm mới tích cực, tạo môi trường hoạt động thông thoáng hơn cho các nhà khoa học, đặc biệt là cơ chế tài chính. Cụ thể, Luật sửa đổi đã khắc phục cơ bản những tồn tại trong cơ chế tài chính hiện hành. Một mặt, bảo đảm kỷ luật tài chính, chống thất thoát, mặt khác tạo cơ chế phân bổ, sử dụng, kiểm soát việc sử dụng kinh phí phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN. Cơ chế xác định, tuyển chọn, giao và thực hiện nhiệm vụ KH&CN cũng đã được điều chỉnh trong Luật sửa đổi theo hướng bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngành và địa phương; bảo đảm sản phẩm đầu ra phải có địa chỉ tiếp thu, ứng dụng. Về đầu tư công, ngoài việc bảo đảm không dưới 2% Ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm chi cho KH&CN, Luật KH&CN sửa đổi vẫn duy trì những chính sách đầu tư công đã được quy định tại Luật hiện hành năm 2000. Cụ thể, đối với những dự án, chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia có thể được sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), sử dụng vốn vay quốc tế; các dự án, chương trình phát triển kinh tế xã hội phải có hạng mục chi phát triển KH&CN. Đồng thời, Luật sửa đổi quy định cơ chế đầu tư đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Luật sửa đổi cũng đã quy định nhiều cơ chế để huy động nguồn đầu tư của xã hội (ngoài NSNN), đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN. Cùng với đó, quy định các chính sách thu hút nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển KH&CN tại Việt Nam. Chính sách trọng dụng đội ngũ nhân lực KH&CN được thể hiện rõ ràng, tập trung. Quyền của tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN được quy định cụ thể hơn. Cùng với đó, Luật đã quy định các chế tài thu hút chuyên gia là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách trọng dụng các nhà khoa học được thể hiện ở cả 3 khía cạnh: thu nhập, tôn vinh, môi trường hoạt động sáng tạo. Xây dựng Nghị định hướng dẫn tương xứng với Luật Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật KH&CN gồm có 5 chương, 44 điều, tập trung vào hướng dẫn, quy định chi tiết các nội dung chính như: tổ chức KH&CN, cá nhân hoạt động KH&CN; tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phổ biến kiến thức KH&CN,… Các đại biểu tham dự hội nghị đều đồng tình với nội dung của dự thảo và cho rằng đây là bước tiếp nối, cụ thể hóa các nội dung của Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nghị định hướng dẫn vẫn còn chung chung, khó thực hiện. Luật KH&CN (sửa đổi) có 11 chương, 81 điều, trong khi dự thảo Nghị định chỉ có 5 chương, 44 điều là quá ít, chưa tương xứng với Luật. Để chi tiết và cụ thể hóa các nội dung của Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến: các điều khoản cần bổ sung trong Dự thảo Nghị định; quy định về nhiệm vụ KH&CN và xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; đánh giá quy định về điều kiện, hình thức, trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các nhiệm vụ KH&CN, liên kết xác định nhiệm vụ KH&CN; hiệu quả hoạt động KH&CN và cơ chế chính sách của nhà nước với khoa học nông nghiệp;… PGS.TS. Nguyễn Đăng Vang, Thành viên Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, Dự thảo Nghị định cần bổ sung và hướng dẫn chi tiết hơn các nội dung liên quan đến áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; cơ chế đầu tư thực hiện nhiệm vụ KH&CN đặc biệt; ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài KH&CN; quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Đồng thời ông cho rằng, đóng góp của KH&CN cho phát triển kinh tế xã hội cũng cần được khẳng định rõ hơn. Nhà nước cần đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho KH&CN bằng cách tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ, tài trợ cho KH&CN bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. GS.TS. Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn những nội dung trong Luật được thể hiện đầy đủ, chính xác, cụ thể, chi tiết để tránh tình trạng tạo ra kẽ hở lách luật. Cụ thể, cần quy định rõ tiêu chí, quy định điều kiện thành lập các hình thức tổ chức KH&CN, làm rõ khái niệm “mạng lưới tổ chức KH&CN”, làm rõ hơn trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc xử lý vi phạm pháp luật về KH&CN,… Theo tinh thần đổi mới của Luật KH&CN (sửa đổi), đồng thời kế thừa các quy định của Nghị định 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Dự thảo Nghị định tiếp tục ghi nhận việc phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng vốn ngân sách. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Bích Phương, Học viện Chính sách và Phát triển, Dự thảo cần có những quy định cụ thể hơn về các trường hợp góp vốn của cá nhân, tập thể,… Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ và kế thừa những ưu điểm của Nghị định 81/2002/NĐ-CP, trong đó đã ghi nhận việc khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cùng với đó, nhiều ý kiến khác cho rằng cần có quy định cụ thể về điều kiện, hình thức, thủ tục về nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN, xây dựng quy trình, thủ tục trình tự nghiệm thu quyết toán về tài chính của nhiệm vụ KH&CN. Trong Nghị định hướng dẫn cần đối chiếu với các Luật khác để người thi hành thuận lợi hơn trong việc thực hiện,… Ngoài ra, hội nghị cũng có nhiều ý kiến đóng góp nhằm đưa cơ chế, chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cụ thể, để Luật KH&CN có tác dụng thúc đẩy phát triển KH&CN trong cơ chế kinh tế thị trường cần tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hoạt động nghiên cứu ở tất cả các đơn vị (trường đại học, viện nghiên cứu ứng dụng), so sánh các cơ chế hoạt động KH&CN trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, xây dựng một cơ chế hoạt động thống nhất, công bằng, dân chủ, khách quan duy nhất cho tất cả các đơn vị nghiên cứu đang hoạt động. Khi có một nền tảng công bằng, sẽ có cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà khoa học, các nghiên cứu viên,… Hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và thống nhất đề nghị Ban soạn thảo kiến nghị Chính phủ ban hành một Nghị định chung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH&CN đã được sửa đổi, bổ sung. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên
|