Bản in
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học sẽ có hiệu lực thi hành từ 15/8
Ngày 27/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2013.

Nghị định quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Nghị định, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hoàn trả kinh phí bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích; buộc hủy bỏ báo cáo không trung thực, báo cáo có số liệu bịa đặt; buộc đăng ký, giao nộp kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ là 1 năm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, trong đó quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ, Chánh Thanh tra Sở khoa học và công nghệ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các lực lượng công an, hải quan, thuế, cơ quan thanh tra chuyên ngành khác.

Tin, ảnh: Diệu Huyền