Bản in
Đặt hàng nghiên cứu khoa học: Bước mở trong chính sách
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong Luật KH&CN sửa đổi lần này chính là việc các đơn vị nghiên cứu theo đơn đặt hàng của Chính phủ, của các bộ, ngành, chính quyền, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Ngày 18/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật KH&CN (sửa đổi). Theo đánh giá của các chuyên gia, sự kiện này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng đưa KH&CN thực sự phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội đồng thời sẽ tạo một làn gió mới cho KH&CN, xóa bỏ định kiến lâu nay của dư luận là nhiều kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu phải xếp vào ngăn kéo vì thiếu giá trị thực tiễn.

Bước mở trong chính sách

TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển và KH&CN địa phương, Bộ KH&CN nhận định, việc đánh giá của xã hội về các kết quả KH&CN trong thời gian qua cũng có phần đúng. Bên cạnh rất nhiều đề tài có kết quả tốt thì đâu đó vẫn còn có những đề tài để lại dư luận không tốt. Đề tài đã nghiệm thu và có kết quả nhưng vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn vẫn để trong ngăn kéo.

Để xảy ra tình trạng này, theo tôi cũng có rất nhiều nguyên nhân. Cần phải trả lời được một số câu hỏi như ai đặt? Xuất phát từ nhu cầu nào?... Nếu bản thân đầu bài đó xuất phát từ nhu cầu đổi mới công nghệ của một doanh nghiệp thì chắc chắn khi nghiên cứu có kết quả thì sẽ được áp dụng vào sản xuất chứ không có tình trạng cất vào ngăn kéo.

Việc xác định nhiệm vụ, đặt hàng cũng không hề đơn giản. Ví dụ như giao cho ông chủ tịch tỉnh xác định một giống lúa có năng suất cao phù hợp với điều kiện của địa phương thì không thể làm được nhưng ông chủ tịch có thể tập hợp lực lượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị có chức năng để ra một giống lúa như yêu cầu…, cần phải có một sự chuẩn bị đồng bộ. Các nhà khoa học nhiều khi phải ngồi nghĩ ra nhiệm vụ.

Trong thời gian qua nhiều sự việc phát sinh trong thực tế như cháy nổ xe máy, dịch bệnh trên lúa, trên tôm hay sự xuất hiện vi rút H7N9 trên người,… đã làm đau đầu các nhà khoa học khi họ rất khó tìm ra giải đáp làm thỏa mãn với yêu cầu thực tiễn. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, chúng ta đang còn thiếu một cơ chế chính sách hợp lý để phát triển theo hướng này. Đó chính là một trong những nguyên chính khiến trong Luật KH&CN sửa đổi lần này đã đưa ra quy chế đặt hàng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đối với các viện, tổ chức nghiên cứu.

Theo TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN và Các ngành Kinh tế Kỹ thuật thì vấn đề đặt hàng là vấn đề rất mới mà Luật KH&CN sửa đổi lần này đã quy định. Để có những đề xuất này xuất phát từ thực tế hoạt động KH&CN khi có nhiều ý kiến từ nhiều phía Bộ, ngành địa phương; các nhà khoa học cho rằng đâu đó nhiều nghiên cứu khoa học còn chưa có hiệu quả cao. Nói cách khác hiệu quả thu chưa xứng với đồng tiền nhà nước bỏ ra đầu tư cho KH&CN.

Mặt khác, vấn đề đặt hàng đưa vào Luật KH&CN sửa đổi lần này mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN nhất là trong nghiên cứu ứng dụng. Trong thực tế có rất nhiêù vấn đề phát sinh, những nhiệm vụ KH&CN cần xử lý theo cơ chế rất khẩn trương, có thể giao trực tiếp cho một số các nhà khoa học và  các nhà khoa học đã làm rất tốt việc này. Ví dụ như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa trong phía Nam thì các nghiên cứu khoa học đã giải quyết rất tốt việc này. Hoặc là H5N1 cần phải có nghiên cứu vacxin phòng bệnh thì Bộ KH&CN đã đặt hàng một số tổ chức, cá nhân để nghiên cứu đưa ra vác xin sớm nhất. Hiện nay, đã ra được sản phẩm là vác xin H5N1 dùng cho gia cầm, Thủ tướng đã cho phép thương mại hóa loại vác xin này. Đối với người đã thử nghiệm giai đoạn 3 và rất khả quan.

Điều đó nói nên một thực tế rõ ràng rằng, đối với các nghiên cứu đặt hàng có sản phẩm rõ ràng, địa chỉ ứng dụng rõ ràng thì những nhiệm vụ nghiên cứu đó có hiệu quả cao hơn.

GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cũng chia sẻ, nếu muốn hiệu quả nghiên cứu khoa học được nâng cao hơn nữa thì đây là điều mà giới khoa học cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực này đều mong muốn. Đây là sự cố gắng của Bộ KH&CN và nhiều quy định khác nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động KH&CN.

Với việc thông qua một quy chế mới như thế này thì nó sẽ mở ra khả năng mới cho các nhà khoa học, làm cho các nhà khoa học tiếp cận gần với thực tế hơn. Quy định này cũng làm cho những người ứng dụng KH&CN gần với những sản phẩm KH&CN chất lượng cao nhiều hơn, xích nghiên cứu gần hơn với sản xuất. Đây là một bước mở quan trọng trong chính sách hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đưa nghiên cứu đến gần với thị trường

Trong nghiên cứu khoa học chứa đựng nhiều rủi ro, điều này cũng đã được giới khoa học thế giới thừa nhận. Thông thường tỷ lệ thành công phụ thuộc vào cái tính chất của nhiệm vụ nghiên cứu, thường thì nghiên cứu ứng dụng tỷ lệ thành công cao hơn, đối với nghiên cứu cơ bản thì độ rủi ro cao hơn.

Cho nên, ông Nguyễn Văn Liễu cho rằng, các đặt hàng nghiên cứu trước tiên có thể thực hiện được cơ chế đặt hàng là những nghiên cứu có tính khả thi thành công cao. Cụ thể là những nghiên cứu trong ứng dụng có thể xem xét được, đặc biệt là những nghiên cứu ấy sẽ có sản phẩm cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được và quan trọng nữa là có địa chỉ áp dụng. Cơ chế đặt hàng này không thực hiện ở tất cả các nhiệm vụ mà thực hiện đối với các nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu nhất định.

Cũng theo ông Lê Huy Hàm, việc đặt hàng trước mắt nên thực hiện đối với các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, tỷ lệ thành công cao. Ông lấy ví dụ, nghiên cứu thuốc chữa HIV thì thế giới đã bắt đầu từ những năm 1980 nhưng đến bây giờ vẫn chưa thành công thì có nhiều rất nhiều nghiên cứu, mà có hàng nghìn nghiên cứu. Như vậy, nếu chúng ta đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực khó khăn như vậy thì chắc chắn không ai dám nhận nhiệm vụ này. Vì thế đặt hàng chỉ thực hiện được khi các nghiên cứu cơ bản đã được thực hiện, các thành phần tạo nên thành công của đơn hàng đã sẵn sàng thì việc đặt hàng mới đảm bảo thành công. Phạm vi ứng dụng quy chế này là đối với những sản phẩm gần ra tới thị trường thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, đặt hàng nghiên cứu không có nghĩa là các nhà khoa học chỉ ngồi chờ khi nào có đơn đặt hàng mới tiến hành nghiên cứu, nếu như thế sẽ làm triệt tiêu tính sáng tạo của nghiên cứu khoa học. Việc đặt hàng chỉ thực hiện đối với các nhiệm vụ nghiên cứu có tính khả thi cao, khả năng thành công lớn đáp ứng được những yêu cầu bức xúc của xã hội,… có thể cân đong, đo đếm được sản phẩm. Còn những nghiên cứu cơ bản không phù hợp với việc đặt hàng nghiên cứu mà phải dựa trên những sáng tạo của các nhà khoa học. Các nhà khoa học thấy nghiên cứu nào cần thiết thì có thể đề xuất nghiên cứu mà không cần theo cơ chế đặt hàng.

TS. Lê Huy Hàm cũng cho rằng, khoa học có hai vai trò đối với sản xuất. Vai trò thứ nhất là phục vụ trực tiếp cho sản xuất, đây là hướng cần sự đặt hàng cho các nhà khoa học, càng làm theo hướng này thì hiệu quả càng cao. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, vụ mùa thì giống lúa bắc thơm bị bệnh lạc lá rất nhiều, nhưng nếu nhà nước đặt hàng nhà khoa học nào nghiên cứu ra giống lúa bắc thơm kháng được bệnh bạc lá thì sẽ cấp kinh phí nghiên cứu ra loại giống này. Như vậy hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên rất nhiều, từ doanh nghiệp đến người nông dân đều được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu. Vai trò thứ 2 của nhà khoa học là vai trò dẫn dắt phải đi trước nhu cầu sản xuất. Điều này phải xuất phát từ các nhà khoa học, sự sáng tạo của các nhà khoa học. Cho nên đặt hàng nghiên cứu chỉ áp dụng ở phạm trù nhất định, còn lại những vấn đề khác của khoa học vẫn phải do các nhà khoa học đề xuất. Bên cạnh việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng thì các nhà khoa học luôn luôn phải chủ động, có tính sáng tạo trong nghiên cứu của mình thể hiện vai trò dẫn dắt của KH&CN.

Song để Luật đi vào thực tiễn nghiên cứu thì các văn bản dưới Luật cần phải rất cụ thể, chi tiết thì các viện nghiên cứu, các nhà khoa học mới thực hiện được. Việc này không chỉ cần các văn bản hướng dẫn dưới luật, sự tham gia của Bộ KH&CN, Bộ chủ quản mà còn rất cần sự chung tay của Bộ, ngành có liên quan.

Phương Hoàn