Bản in
Hợp tác Doanh nghiệp - Viện/Trường trong môi trường chính sách công
Tại Việt Nam, sự hợp tác Viện/Trường với Doanh nghiệp có thể được giải thích qua nguyên lý giáo dục của chúng ta là “đào tạo - nghiên cứu - phục vụ sản xuất.” Gần đây phong trào hợp tác này đã nổi lên thành một chuyên đề lớn bắt đầu từ hai ĐH Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và lan ra nhiều trường đại học.

Ở nhiều quốc gia tiên tiến, người ta đã sáng kiến tổ chức những chương trình hợp tác đồng hành công tư (HTĐHCT) giữa doanh nghiệp tư nhân và cơ quan nghiên cứu của nhà nước (public-private partnership – gọi tắt là PPP) để tận dụng các nguồn lực tạo sản phẩm mới, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh quốc gia.

Ở nước ta cho tới nay, nhìn chung phần lớn các sản phẩm quốc gia của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao. Chúng ta chưa có những người giàu như Toyota, Bill Gates… làm giàu bằng khoa học công nghệ của chính họ cộng tác với những chuyên gia cần thiết. Chúng ta cũng đã nói đến việc hợp tác liên kết “ba nhà” hoặc “bốn nhà” trong đào tạo sinh viên, hoặc trong sản xuất nông nghiệp hoặc công nghiệp. Nhưng thực chất những liên kết đó tập trung cho việc đào tạo của các trường đại học là chính.

Tọa đàm Doanh nghiệp KH&CN tổ chức bởi Tạp chí Tia Sáng tại Bình Dương vào tháng 3/2013 cho thấy có nhiều HTĐHCT đã đem lại những đổi mới công nghệ giúp nhà doanh nghiệp phát triển đồng thời sử dụng tốt nguồn lực về chuyên gia cũng như trang thiết bị của các viện/trường. Tiêu biểu nhất đúng nghĩa HTĐHCT là liên kết rất sáng tạo mà lãnh đạo của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tìm đến Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội để hợp tác nghiên cứu đổi mới công nghệ của công ty, nâng tầm cạnh tranh của bóng đèn Rạng Đông. Và cũng qua buổi tọa đàm này người ta đã nhận ra những ưu điểm mà các bên trong tổ hợp HTĐHCT đã thể hiện, nhưng đồng thời cũng thấy vắng bóng can thiệp của chủ thể quan trọng nhất của mỗi quốc gia.

Trên thế giới có nhiều mô hình HTĐHCT rất có hiệu quả mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng chính sách sử dụng hợp lý các nguồn lực tổng hợp công tư trong nước, hầu nâng tính cạnh tranh quốc gia lên tầm cao hơn.

Cộng đồng châu Âu (EU) đã tiên phong có chính sách bắt buộc các trường đại học trong khối EU phải cộng tác với nhau và với các doanh nghiệp của EU.Về sau, họ qui định cả trong các chương trình viện trợ quốc tế cũng phải có liên kết kiểu “ba nhà.” Ba cơ quan công gồm Hiệp hội các đại học châu Âu (European University Association), Liên hiệp các Tổ chức Nghiên cứu và Công nghệ châu Âu (European Association of Research and Technology Organizations), Hiệp hội Quản lý nghiên cứu Kỹ nghệ châu Âu (European Industrial Research Management Association) và Công ty tư nhân  ProTon Europe đã được giao soạn thảo một tài liệu “Hợp tác đồng hành Có Trách nhiệm – Hợp lực trong một thế giới tự do đổi mới: Hướng dẫn hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa khoa học và doanh nghiệp.” Đây là một cẩm nang mà tất cả các Trường đại học và Viện nghiên cứu của Khối EU phải theo đúng nếu muốn có kinh phí của EU. Họ hướng dẫn từ khâu “Thế nào là người đối tác có trách nhiệm”, “Nhu cầu nhân lực”, “Yếu tố con người trong hợp tác hữu hiệu”, “Xác định những đối tác thích hợp”, “Xây dựng thỏa ước hợp tác nghiên cứu”, “Vấn đề pháp lý của việc hợp tác”. Quyển hướng dẫn này gồm có cả các biểu mẫu các bên hợp tác cần ghi theo đúng.

Sau một thời gian thực hiện chủ trương liên kết này, EU giao cho Trung tâm Nghiên cứu Tiếp thị Liên kết Trường với Doanh nghiệp (School-to-Business Marketing Research Center, 2009) của Đại Học Munster, Đức, đánh giá kết quả liên kết HTĐHCT của các nước châu Âu và đã chọn 30 mô hình tiêu biểu nhất. Báo cáo  của EU cho thấy chủ trương liên kết hợp tác Đại Học – Doanh Nghiệp (University-Business Collaboration viết tắt UBC) có thể giúp các trường đại học giảm bơt khó khăn về ngân sách ngày càng eo hẹp, giúp doanh nghiệp gia tăng và duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế năng động, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước và trong vùng và đồngvthời thỏa mãn được nhu cầu thị trường nhân lực có chuyên môn và kỹ năng cao, mang lại lợi ích cho mọi bên tham gia, và cho cả xã hội.

Ở Hoa Kỳ, việc hợp tác nhiều bên để nghiên cứu và phát triển đã được Giáo sư John Donahue (2004) tổng hợp đánh giá rất cao. Ông thấy rằng ngoài khu vực nhà nước, xã hội có rất nhiều  người tài giỏi trong tất cả các lãnh vực từ công nghiệp đến sản xuất nông nghiệp. Còn có nhiều tổ chức phi chính phủ có khả năng tài chính có thể kết hợp được. Nhà nước có vai trò lập chính sách ưu đãi hợp lý để tác động cho sự hợp tác nhiều bên này. Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ (NSB, 2012) vừa có một báo cáo chuyên đề về “Nghiên cứu & Phát triển (R&D), Đổi mới, và Lực lượng Khoa học & Kỹ nghệ” cho thấy một viễn cảnh tạm gọi là “hệ sinh thái của sự đổi mới” (innovation ecosystem) trong đó các hoạt động R&D là động lực ươm mầm của các đổi mới. Tỉ lệ hợp tác giữa Nhà nước và Tư nhân cho thấy thành phần tư nhaan ngày càng tang.Sự hợp tác công-tư sẽ hỗ trợ cho hệ sinh thái này phát triển lên, không chỉ nhờ R&D mà còn nhờ giáo dục và khả năng ứng dụng công nghệ.

Ở Canada, chính phủ lập ra mấy có quan sau đây thực hiện chính sách HTĐHCT như sau:  Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STIC); Hội đồng các Viện hàn lâm Canada (CCA); Hội đồng Nghiên cứu Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật (Natural Science and Engineering Research Council of Canada (NSERC). Năm 2009 Hội đồng NSERC đã ban hành một hướng dẫn về Chiến lược Hợp tác Đồng Hành và Đổi mới (Strategy for Partnerships and Innovation). Mục tiêu của chiến lược này là huy động mọi nguồn lực từ nhiều phía tham gia trong Hệ thống Khoa học và Đổi mới để đẩy mạnh vai trò đơn vị của mỗi bên đồng thời thúc đẩy sức mạnh tổng hợp của các bên giúp Canada tăng cường tính cạnh tranh quốc gia.

Tình hình chung ở Việt Nam

Tại Việt Nam, sự hợp tác Viện/Trường với DN có thể được giải thích qua nguyên lý giáo dục của chúng ta là “đào tạo - nghiên cứu - phục vụ sản xuất.” Nguyên lý này được áp dụng trước tiên vào nông nghiệp khi Trường Đại học Cần Thơ đào tạo cán bộ nông nghiệp về kỹ năng chuyên môn và nghiên cứu ứng dụng về đồng ruộng của nông dân áp dụng rồi truyền đạt kỹ thuật cho nông dân. Kết quả của sự cộng tác Trường và Nông dân cả đồng bằng sông Cửu Long đã đem lại lợi ích cho các bên và sau cùng giúp đất nước ta có dư thừa lúa gạo. Nhưng ngoài hoạt động hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động hợp tác khác rất khó thực hiện. Đó là tình trạng chung của các viện/trường, dẫn đến dư luận cho rằng sản phẩm của trường đào tạo ra không thích hợp nhu cầu nơi sử dụng. Gần đây phong trào hợp tác Viện/trường-DN đã nổi lên thành một chuyên đề lớn bắt đầu từ hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và xuống lần đến hầu như các trường đại học. Đã có những hội thảo chuyên đề, đáng kể như Hội thảo tại Đại học quốc gia Hà Nội,  Viện CNTT&TT của ĐH Bách Khoa Hà Nội (12/10/2011) và Đại học Lạc Hồng (ngày 10/10/2012). Nhìn chung vấn đề hợp tác Viện/Trường có đạt kết quả tốt nhờ tận dụng các nguồn lực: Viện thì giàu thiết bị, trường có thầy giỏi nhưng yếu thiết bị. Nhưng hợp tác Trường-DN của các trường hiện nay vẫn còn nhiều cái khó, ví dụ như vấn đề kinh phí, quan hệ DN nhận sinh viên thực tập thế nào… Hợp tác Trường-DN vẫn còn phải cải tiến vì hai bên vẫn chưa có những chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ hoặc chỉ đạo. Nhà nước chưa thấy được sự cộng hưởng của sự hợp tác khoa học và phát triển giữa Viện/Trường và DN nên chưa có chính sách cụ thể. Rất may trong số DN của ta có nhiều DN đã chủ động sáng kiến tìm đến Viện/Trường để hợp tác như trường hợp điển hình Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Tuy nhiên sự hợp tác này cũng còn hạn chế bởi sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về tài chính còn ít ngay cả đối với những đề tài nghiên cứu liên ngành quan trọng như vấn đề chiếu sáng cho sản xuất nông nghiệp, nếu thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sản xuất nông nghiệp, cho nông dân. Nếu Nhà nước ta cũng có chính sách như một số quốc gia kể trên thì sự hợp tác của Công ty Rạng Đông với các nhà khoa học sẽ nở hoa kết trái gấp nhiều lần.

Vì vậy chúng tôi mong Luật KHCN sửa đổi sớm được ban hành để sau đó có một loạt các chính sách cụ thể về hợp tác đồng hành công tư như các nước tiên tiến. Có hành lang pháp lý đó vai trò của Nhà nước sẽ nổi bật lên nhờ xúc tác được cho tram ngàn đổi mới công nghệ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế của nước ta.