Bản in
Tạo động lực cho khoa học công nghệ bằng những chính sách cụ thể
Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích và huy động nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, trong đó, có những chính sách mang tính đột phá so với Luật hiện hành.
Dẫu vậy, để Luật thực sự “cởi trói” và tạo động lực cho khoa học công nghệ, các ĐBQH đề nghị, các chính sách của Nhà nước phải cụ thể, nhất là các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, phát triển khoa học công nghệ cần được quy định rõ ngay trong luật.
 
ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Điều kiện, trình tự thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính minh bạch

Quy định của dự thảo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành về điều kiện, trình tự thủ tục thành lập các tổ chức khoa học công nghệ và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính minh bạch và còn có nhiều nội dung trùng lặp mang nặng tính hành chính, gây cản trở cho việc thành lập các tổ chức khoa học công nghệ. 

Về tính minh bạch trong các thủ tục hành chính, điều kiện thành lập các tổ chức khoa học công nghệ tại các Điều 10, 11, 12 hoàn toàn là quy định khung và giao lại cho Chính phủ hướng dẫn. Tuy nhiên, khi đọc dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thì những điều kiện này lại cũng tiếp tục được quy định khung và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết. Quy định về trình tự thủ tục thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức khoa học công nghệ cũng tương tự như vậy: dự thảo Luật để Chính phủ quy định, Chính phủ lại tiếp tục giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Với cách thức quy định như vậy thì sau khi Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được ban hành, không biết đến khi nào chúng ta mới có thể triển khai thực hiện được? Đề nghị các quy định về điều kiện thành lập, trình tự thủ tục thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức khoa học công nghệ cần được chi tiết hóa trong luật.

Liên quan đến công tác quy hoạch đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đề nghị làm rõ hơn vai trò của công tác quy hoạch; phải xác định rõ vai trò của công tác quy hoạch là chỉ phục vụ cho việc quản lý các cơ sở khoa công nghệ thuộc hệ thống công lập hay là một công cụ quản lý toàn diện đối với hệ thống khoa học công nghệ, các tổ chức khoa học công nghệ trong toàn quốc, bao gồm cả các tổ chức ngoài công lập và có vốn đầu tư nước ngoài? Từ đó làm rõ: điều kiện cụ thể để thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức khoa học và công nghệ khác ngoài công lập có phải tuân thủ theo quy hoạch hay không? Bên cạnh đó, cần quy định rõ UBND tỉnh cho phép đặt trụ sở đối với các tổ chức khoa học công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng quy định về điều kiện cho phép và trình tự thủ tục chưa được đề cập trong dự thảo Luật. Điều này sẽ gây khó khăn cho các địa phương khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Nêu rõ chính sách ưu đãi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển khoa học công nghệ

 Các chính sách cũng như các điều kiện để khơi dậy và kích thích các thành phần kinh tế phát triển khoa học công nghệ trong dự thảo Luật chưa rõ. Tôi đề nghị, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ lần này phải quy định cụ thể hơn các chính sách đối với khoa học công nghệ. Nếu không quy định cụ thể trong luật được thì cần phải giao cho Chính phủ cụ thể hóa các chính sách để có hành lang pháp lý thực hiện sau này. Bên cạnh đó, cần nêu rõ những chính sách ưu đãi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển khoa học công nghệ. Về đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài khoa học công nghệ, dự thảo Luật quy định theo hướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Tuy nhiên, quy định này rất chồng chéo. Cần cụ thể trách nhiệm của mỗi bộ để công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Điều 22 về sử dụng nhân tài khoa học công nghệ đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học công nghệ như: nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, tài năng trẻ... Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc thực hiện các chính sách ưu tiên cho các đối tượng này cũng sẽ phải sử dụng đến ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật mới đưa ra các chính sách ưu tiên mà chưa quy định rõ những điều kiện, yêu cầu kèm theo nhằm bảo đảm các chính sách này vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn vừa phát huy được hiệu quả sử dụng ngân sách cũng như khai thác được nguồn nhân lực. Đề nghị cần nêu rõ các tiêu chí để QH xem xét. Khoản 2, Điều 22 quy định: nhà khoa học đầu ngành được ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quan trọng. Đề nghị giới hạn số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ trì trong năm để tránh một nhà khoa học đầu ngành đảm nhận nhiều trọng trách, chủ trì nhiều đề tài, dự án làm ảnh hưởng đến thời gian cũng như chất lượng của các đề tài, dự án. Bên cạnh đó, quy định các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi tại Điều 22 được hỗ trợ kinh phí tham gia hội nghị, hội thảo khoa học công nghệ trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn là cần thiết. Tuy nhiên để bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý ngân sách, đề nghị bổ sung thêm quy định hỗ trợ kinh phí trong dự toán được phê duyệt và có quy định về quản lý các nhà khoa học, tránh tình trạng đầu tư đào tạo xong lại bị chảy máu chất xám.

ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương): Không nên quản lý theo quy hoạch đối với các loại hình tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập và có vốn đầu tư nước ngoài

Về nguyên tắc hoạt động khoa học công nghệ quy định tại Điều 5, dự thảo Luật, đề nghị bổ sung thêm các nguyên tắc: hoạt động khoa học công nghệ phải có tính liên kết hợp pháp giữa nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ nhằm đề cao sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động khoa học công nghệ và tính liên kết giữa các tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp và người sản xuất.

Về quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ quy định tại Điều 10, đề nghị chỉ quy hoạch đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập. Bởi lẽ một trong những nguyên tắc của hoạt động khoa học công nghệ là bảo đảm quyền tự do sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ cần được khuyến khích phát triển mạnh mẽ nhằm khai thác tối đa tiềm năng sức lực của con người. Vì vậy, đối với các loại hình tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập và tổ chức khoa học công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài không nên quá cứng nhắc quản lý theo quy hoạch. Hơn nữa, tại Điều 11 dự thảo Luật cũng không quy định việc thành lập các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập phải tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Một câu hỏi lớn đặt ra là: người Việt Nam xưa nay vẫn được đánh giá là thông minh, cần cù, nhưng vì sao, cho đến nay, nền khoa học nước ta vẫn bị đánh giá là lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển? Phải chăng là do chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học của nước ta hiện nay còn hạn chế? Mặc dù số lượng thạc sỹ, tiến sỹ không ít và không ngừng tăng nhưng tình trạng hụt hẫng đội ngũ làm khoa học công nghệ đang diễn ra và thiếu các nhà khoa học có trình độ cao, có đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế.

Trong số các nguyên nhân của thực trạng này có thể kể đến nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đãi ngộ, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều bất cập và chính sách phát triển khoa học công nghệ chưa mang tính đặc thù. Dự thảo Luật đã dành các Điều 22, 23, 24 quy định về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực và trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ. Các quy định này là một bước tiến có tính đột phá về chính sách ưu đãi trọng dụng nhân lực khoa học công nghệ so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000. Đề nghị bổ sung thêm quy định tại Điều 23 người được bổ nhiệm vào các chức danh khoa học công nghệ được hưởng từ các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao để tạo động lực cho các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng cho những người dân say mê sáng tạo, có những sáng chế, cải tiến kỹ thuật mang lại kết quả hữu ích mà có khi nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học công lập chưa làm được.
 
ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu): Phân bổ ngân sách theo nhiệm vụ chi cho hoạt động khoa học công nghệ tại từng ngành, từng địa phương để “cởi trói” cho khoa học công nghệ phát triển

Về chính sách phát triển sử dụng nguồn năng lực khoa học công nghệ tại các Điều 22, 23, 24. Trong hoạt động khoa học công nghệ, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng nhất. Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực khoa học công nghệ của nước ta đã được tăng cường đáng kể, cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực khoa học công nghệ vẫn còn thiếu hụt, bất cập, cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ theo độ tuổi và theo trình độ chưa phù hợp. Phân bố nhân lực khoa học công nghệ có sự chênh lệnh lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao như tiến sỹ khoa học chủ yếu chỉ tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cơ cấu đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ giữa các ngành, các lĩnh vực chưa hợp lý, chưa có sự tập trung đối với một số lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên là lĩnh vực tạo sản phẩm cho xã hội có chất lượng cao như: công nghệ tạo hạt giống, tạo giống cây trồng vật nuôi trong thủy sản, trong nông nghiệp, hoặc những công nghệ quản lý tài nguyên. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành về khoa học công nghệ nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch đồng bộ. Chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chưa phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo môi trường và động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đem hết tài năng cống hiến cho đất nước.

Chính vì vậy, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) cần quy định cụ thể việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực khoa học công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương và từng thời kỳ. Quy hoạch nhân lực khoa học công nghệ phải chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên và quy định chính sách khuyến khích đối với cán bộ khoa học công nghệ tại các địa phương, đặc biệt là ở các vùng kinh tế xã hội có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Về phân công trách nhiệm trong quản lý ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ tại Điều 51. Tài chính khoa học công nghệ là yếu tố có tác dụng chi phối tất cả các dạng nguồn lực khoa học công nghệ khác nên rất cần được quan tâm xây dựng, phát triển và sử dụng một cách có hiệu quả. Theo quy định hiện hành, Nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ, bao gồm: kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ và sự nghiệp khoa học công nghệ. Các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch dự toán kinh phí gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ và QH về việc sử dụng hiệu quả khoản ngân sách này.

Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa được tham gia vào quá trình phân bổ vốn, thẩm định nội dung nên không thể kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Thực tế, kinh phí khoa học công nghệ đã ít nhưng kinh phí sử dụng đúng mục đích cho hoạt động này lại cũng không nhiều. Trong khi đó, kế hoạch và dự toán sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện theo một quy trình thủ tục hoàn toàn không phù hợp với đặc thù của khoa học và công nghệ. Các quy định về tài chính cho khoa học công nghệ hiện nay còn cứng nhắc nên khi cần điều chỉnh nội dung và mức chi thì không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Chính vì vậy Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) lần này cần bổ sung một quy định quan trọng là phân định rõ trách nhiệm các bộ, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong quản lý ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Cần có cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo nhiệm vụ chi cho hoạt động khoa học công nghệ tại từng ngành, từng địa phương nhằm tạo điều kiện và cởi trói cho khoa học công nghệ phát triển.