Bản in
Khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015: "Cần làm tốt bài toán từ doanh nghiệp"
"Doanh nghiệp cần gì, vướng gì thì nghiên cứu cái đó, giải quyết cái đó. Như vậy nghiên cứu khoa học mới thực sự có vai trò động lực để phát triển nền kinh tế” - đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào về định hướng phát triển KHCN ngành công thương giai đoạn 2011-2015.
KHCN đã gắn với sản xuất
Hiện nay, hệ thống tổ chức KH&CN của Bộ Công Thương có 23 viện nghiên cứu chuyên ngành và nghiên cứu chiến lược chính sách, bao gồm 9 viện trực thuộc Bộ và 14 viện trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty 90 và 91. Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào về hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010: "Điểm thay đổi cơ bản đối với hoạt động KHCN giai đoạn này là sự chuyển đổi cơ chế hoạt động của các viện nghiên cứu theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ sang hoạt động tự chủ về kinh tế, mở ra sự chủ động hoạt động cho các viện". Sau một thời gian chuyển đổi, các viện nghiên cứu đã có sự chuyển biến tốt trong hoạt động. Ngoài việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu được giao từ nguồn ngân sách nhà nước, các đơn vị đã năng động, tích cực hơn trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận các yêu cầu sản xuất để xác định nhiệm vụ, ký kết hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tổ chức triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Bên cạnh đó, hoạt động KHCN cũng đã được Nhà nước quan tâm và đầu tư thích đáng, trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm giao cho Bộ Công Thương đã có mức tăng từ 87,05 tỷ đồng năm 2006 lên 207,8 tỷ đồng năm 2010. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã cấp kinh phí cho 16 dự án đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực nghiên cứu của các Viện với tổng số kinh phí trên 245 tỷ đồng. Do đó, giai đoạn này, Bộ đã triển khai thực hiện được hàng chục đề tài nghiên cứu KH&CN cấp nhà nước, trên 1.300 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành, trong đó gần 30 công trình nghiên cứu của các đơn vị trong Bộ đã được trao Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam (Vifotec). Một số công trình nổi bật thực sự đã có vai trò lớn trong sản xuất như tuyển khoáng, tuyển titan, tuyển bô xít giúp công nghiệp khai khoáng phát triển; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và làm chủ công nghệ sản xuất cơ khí thủy công; Thiết bị cắt kim loại bằng tia laze…
Cần nhiều hơn nữa sự đổi mới
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tuy KHCN ngành công thương dù đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào sản xuất, tuy nhiên, số lượng những sản phẩm thực sự đi vào đời sống vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cho nên, hoạt động KHCN ngành công thương cần nhiều hơn những sự đổi mới để phát triển theo kịp với nhu cầu của thị trường. Các đề tài nghiên cứu cần đi trước một bước để gắn với sản xuất, đặc biệt là có công nghệ cao để tạo giá trị gia tăng lớn, không phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ; sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu cũng phải xuất phát từ thực tế để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, ví dụ như ngành cơ khí cần tập trung chế tạo cơ khí phục vụ cho nông nghiệp; ngành hóa dược tập trung sản xuất các thuốc cơ bản như vitamin, thuốc chống ung thư, tim mạch, kháng sinh thông thường… Đặc biệt, để hoạt động KHCN gắn kết hơn nữa và đem lại những lợi ích lớn hơn thì cần kết hợp với doanh nghiệp để xem họ cần gì, thiếu gì để tập trung nghiên cứu, chế tạo luôn để đáp ứng đúng thứ mà DN cần. "Hoạt động KHCN cần làm tốt bài toán từ DN. DN cần gì, vướng gì thì nghiên cứu cái đó, giải quyết cái đó" – Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào khẳng định.
Do vậy, nhằm phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2006-2010, Bộ Công Thương đã đề ra chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2015. Theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương: "Hoạt động KHCN giai đoạn này hướng trọng tâm vào mục tiêu phục vụ CNH, HĐH, tập trung khuyến khích các nghiên cứu trực tiếp phục vụ sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, tạo công nghệ nội sinh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển của ngành công thương". Định hướng phát triển của giai đoạn này là tiếp tục hoàn thiện công tác đổi mới tổ chức và cơ chế quản lí khoa học và công nghệ theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành, phát triển và hoàn thiện mô hình DN khoa học và công nghệ nhằm gắn kết tốt hơn hoạt động nghiên cứu với thực tế sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ khoa học trẻ phục vụ nghiên cứu khoa học; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng để làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời phát triển công nghệ sinh học, công nghệ cơ điện tử, công nghệ xử lý môi trường… Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nước ASEAN để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo cán bộ…/.
 
VEN