
|
|||
Bên cạnh đó, Luật KH&CN được ban hành năm 2000 trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập. Vì vậy, giới khoa học rất mong muốn Luật KH&CN sửa đổi sớm được thông qua và đi vào cuộc sống để các nhà khoa học yên tâm cống hiến. - Theo ông bất cập lớn nhất làm hạn chế sức sáng tạo đối với các nhà khoa học trong thời gian qua là gì? Ông Phùng Xuân Nhạ: Thứ nhất là môi trường sáng tạo, đặc biệt đối với các nhà khoa học chuyên nghiệp còn hạn chế. Thứ 2 đó là cơ sở hạ tầng để họ có điều kiện làm việc tốt và phát minh ra những sản phẩm công nghệ đỉnh cao . Thứ 3 là cơ chế tài chính, đây là “nút thắt” gây khó khăn cho những người làm khoa học. Vấn đề thứ 4 là chế độ đãi ngộ các cán bộ khoa học. Các nhà khoa học rất mong muốn sống được từ những thành quả nghiên cứu của mình chứ không phải là sống bằng đề tài nghiên cứu. - Vậy theo ông cơ chế chính sách đã đủ sự hấp dẫn để giữ được chân các nhà khoa học, giúp họ yên tâm với nghiên cứu không? ÔngPhùng Xuân Nhạ: Tôi cho rằng, chính sách thu hút người tài cho ngành KH&CN đã có nhưng hấp dẫn thì chưa. Sở dĩ tôi nói như vậy là do hiện nay những người làm khoa học cần một môi trường làm việc, đam mê sáng tạo tự do nghiên cứu và công bố những sản phẩm của mình. Và quan trọng nhất đó là chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học. Đãi ngộ cả về vật chất lẫn tinh thần, vật chất. Đặc biệt, ngoài vấn đề về lương bổng thì các nhà khoa học phải được hưởng những lợi ích rất chính đáng từ nghiên cứu khoa học thông qua các sản phẩm KH&CN. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề đặt ra, đâu là nhà khoa học đích thực, bởi vì có nhiều nhà khoa học có bằng cấp rất cao nhưng chưa hẳn đã tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị cao, trong khi đó có nhiều nhà khoa học bằng cấp chưa hẳn cao nhưng họ có nhiều sáng tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy thì cần phải có tiêu chí, tôi đánh giá rất cao các tiêu chí cụ thể và tiêu chí ấy phải tính đến chuẩn mực quốc tế. Thông qua đó sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nước ngoài. - Luật KH&CN sửa đổi lần này coi các cơ sở đào tạo là một tổ chức nghiên cứu KH&CN. Với cương vị là một người lãnh đạo tại một trường Đại học lớn, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này? Ông Phùng Xuân Nhạ: Tôi cho rằng đây là điểm được coi là đột phá trong nhận thức. Đại học quốc gia Hà Nội là một trường quốc gia với rất nhiều trường thành viên. Trong Luật giáo dục đại học thì Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM là hai cơ sở KH&CN đào tạo lớn nhất cả nước. Ở đây tôi thấy có một cách tiếp cận trong nhận thức là tiếp cận theo hướng quốc tế. Trên thực tế thì các trường đại học, đặc biệt là các Trường đại học nghiên cứu thì ngoài nhiệm vụ truyền kiến thức thì nhiệm vụ nghiên cứu phát minh là nhiệm vụ rất quan trọng. Quan niệm theo giáo dục hiện đại là giảng dạy những cái mới, cái chưa biết. Vì vậy giảng viên và học sinh phải nghiên cứu, khám phá. Nhiều nước trên thế, các trường đại học nghiên cứu có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế trí thức, nhiều quốc gia xây dựng chiến lược phát triển dựa vào đại học, KH&CN cũng dựa vào trường đại học vì đặc thù của trường đại học không chỉ có các nhà khoa học và cùng các nhóm sinh viên xuất sắc, các nghiên cứu sinh để tạo nên một nhóm nghiên cứu tạo sự hỗ trợ tương tác ra sản phẩm và chính sản phẩm đó lại quay về đào tạo. Nghiên cứu gắn liền với đào tạo, sản phẩm nghiên cứu gắn liền với người sử dụng thì tại trường đại học có cả yếu tố này. Đây là một điểm sẽ tạo đột phá trong ngành giáo dục đại học, đại học nghiên cứu trong thời gian tới. Vì vậy, tôi hy vọng Luật KH&CN lần này sẽ cởi “nút thắt” về cơ chế chính sách cho các nhà khoa học. - Ông có kỳ vọng gì ở Luật KH&CN sửa đổi lần này đối với sự phát triển của nền kinh tế và với bản thân các nhà khoa học, thưa ông? Ông Phùng Xuân Nhạ: Tôi mong đợi dự Luật này sớm được ban hành, tuy nhiên từ Luật đến cuộc sống là một chặng đường dài. Vì vậy, Tôi hi vọng các quy định đã rõ trong luật và các văn bản dưới luật phải nhất quán và nhanh để cho các nhà khoa học có cơ hội triển khai các ý tưởng sáng tạo trong quá trình nghiên cứu, tránh tình trạng chính sách thì quan trọng, nhưng thực tiễn thì rộng lớn khiến các nhà khoa học mất niềm tin. Với thực tiễn là cơ sở KH&CN hàng đầu cả nước tôi cảm nhận và lắng nghe các nhà khoa học hàng đầu với tâm huyết mong muốn đạo luật này sớm ra đời. Tất nhiện chúng tôi cũng không thụ động ngồi chờ mà sẽ cùng chủ động triển khai để rà soát và xây dựng các đề tài hoàn chỉnh.
Ngũ Hiệp – Phương Hoàn (lược ghi)
|